Ngày hội trẻ em DFC Việt Nam 2019 sáng nay đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự trình bày dự án xuất sắc đến từ 5 đội thi với cái tên rất đáng yêu là Dalat Kids, New Stars, Million, Voi rừng và Hạt giống hạnh phúc. Các đội đều mang đến ngày hội những ý tưởng vì cộng đồng cực kì hấp dẫn, trong đó dự án "Bữa trưa văn minh" từ đội "New Stars" và dự án "Cùng con tâm sự" từ đội Dalat Kids với những sáng kiến thông minh đã chinh phục ban giám khảo và được chọn tài trợ để đại diện trẻ em Việt Nam tham dự Hội nghị Trẻ em Thế giới 2019 của DFC diễn ra tại Rome, Ý vào tháng 11 sắp tới. Cụ thể, đội New Stars đến từ trường ngoại khóa TOMATO Children's Home với dự án "Bữa trưa văn minh" đã phản ánh đúng hiện thực lãng phí thức ăn hiện nay. Mỗi năm trên thế giới có tới 1,3 tỷ tấn thức ăn thừa bị bỏ đi. Lượng thức ăn này tương đương với ba hồ nước ngọt lớn hoặc có giá trị đến 100 tỷ đô la. Chúng cũng có thể nuôi sống cả ba Châu lục như Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ trong 1 năm. Trong cuộc khảo sát vào năm 2018 được tiến hành tại 8 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam của chúng ta đứng thứ hai về lãng phí thực phẩm. 87% hộ gia đình ở Việt Nam thừa nhận đã lãng phí trung bình 2 đĩa thức ăn một tuần. Việc lãng phí thức ăn không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn tác động không nhỏ đến môi trường. Với tinh thần: “Mọi thay đổi trước hết phải bắt đầu từ thay đổi chính bản thân mình”, các bạn nhỏ đã thực hiện dự án “Bữa trưa văn minh” ngay tại ngôi trường ngoại khóa TOMATO Children’s Home để kêu gọi mọi người đừng lãng phí thức ăn.
Với đội Dalat Kids, các bạn nhỏ đã chạm đến vấn đề cũng rất thời sự hiện nay, đó là những người già cô đơn trong thời đại 4.0. Bằng vở kịch đáng yêu, dí dỏm và đặc biệt phản ánh rất chính xác thực trạng con cái hiện nay mải mê đi làm, mải mê với những thú vui mà bỏ quên cha mẹ, người già lúc này chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, các bạn nhỏ đã khiến cả hội trường xúc động và chinh phục được ban giám khảo.
Ngoài ra, 3 dự án còn lại của các bạn nhỏ cũng thật dễ thương và thật sự là những vấn đề nhức nhối hiện nay, chẳng hạn như Dự án chống xâm hại tình dục trẻ em của đội Million, dự án Giving Books - Giving Happiness của đội Hạt giống hạnh phúc và dự án Phân loại rác thải - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn của đội Voi rừng đến từ trường TH - THCS - THPT Hoàng Việt. Các dự án được thực hiện dựa trên 3 mục tiêu chính: Bình Đẳng Giới, Thành phố Bền Vững, Giáo Dục Chất Lượng (thuộc “17 Mục tiêu Phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015 - 2030”).
Để giúp các đội thi thực hiện được các dự án, các bạn nhỏ đã sử dụng một phương pháp giáo dục có tên là "Design Thinking"/ "Tư duy kiến tạo". "Tư duy kiến tạo là một phương pháp tư duy gồm 4 bước giúp các em biết cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo là Feel – Imagine – Do -Share (Đồng cảm – Hình dung – Thực hiện – Chia sẻ), gọi tắt là FIDS. Chính quá trình thực hiện dự án giúp các bạn nhỏ thực hành tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, trở thành những công dân tự tin, trách nhiệm. Ba giám khảo của chương trình gồm Anh Trần Công Bình – Đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF tại TPHCM , Chị Ngô Phương Thảo – Giám đốc Anbooks – Tri thức Không Biên Giới , Chị Tống Khánh Linh - Đại sứ trẻ của phong trào DFC tại Việt Nam đều dành cho các đội những lời khen và đặc biệt là bày tỏ sự ngưỡng mộ đến các bạn nhỏ "tuổi nhỏ mà không hề làm việc nhỏ".
Chia sẻ về ngày hội, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương - người sáng lập TOMATO Education và cũng là người đưa DFC về tới Việt Nam cho biết: “Ngày hội không chỉ là cơ hội để các bạn nhỏ cất lên tiếng nói của bản thân, thể hiện ước mơ, dám mạnh dạn bắt tay thực hiện các dự án thay đổi cộng đồng xung quanh mình mà còn là dịp để phụ huynh lắng nghe những tiếng nói của các con, để hiểu thêm về những ước mơ, những điều các con ấp ủ, từ đó mạnh dạn trao niềm tin và tiếp sức cho các con trên hành trình trở thành những con người tự lập, biết chung tay góp sức cho những vấn đề chung của cộng đồng. Với DFC, chúng tôi tin rằng mọi trẻ em đều có thể làm được với điều kiện người lớn chúng ta dám mạnh dạn trao cho các em niềm tin, sự tôn trọng, sự trợ lực và dẫn dắt cần thiết trong cách giáo dục, cách nuôi dạy của mình”.