Craig Thomas Gallery hân hạnh giới thiệu triển lãm Thiên Đường Bỏ Ta Đi, triển lãm cá nhân các tranh sơn dầu, tranh Đông Hồ trên toan của hoạ sĩ Hà Nội Bùi Thanh Tâm. Tiệc khai mạc triển lãm Thiên Đường Bỏ Ta Đi sẽ diễn ra vào lúc 18-21 giờ, ngày 6-10-2017 tại Craig Thomas Gallery Trần Nhật Duật. Thoạt nhìn, những bức tranh trong bộ sưu tập Thiên Đường Bỏ Ta Đi của Bùi Thanh Tâm đem lại một không khí ngây thơ và cảm giác hạnh phúc lạc quan quá đỗi. Những nhân vật trong tranh với đôi mắt nai, sống đời sống hạnh phúc và phú quý, nhưng có một cái gì đó bất bình thường ẩn dưới bề mặt đó. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là hình dạng xoắn kì quặc của các nhánh đào trong tranh. Mùa xuân về, mang tới những niềm vui và mơ ước với hoa đào, hoa mai khoe sắc nở rộ trên cành, nhưng cành cây với hình thù bất thường, cho thấy chúng bị gò uốn đến mức làm biến dạng vẻ đẹp và sự thuần khiết vốn có.
Câu hỏi trọng tâm mà Tâm đang đặt ra với loạt tranh mới nhất của mình chính là xã hội Việt Nam đang hướng đến đâu nếu chúng ta không thể bảo tồn và phát triển các giá trị nghệ thuật dân gian và văn hoá truyền thống hàng thế kỉ của dân tộc. Những tiến bộ vật chất mà đất nước đã đạt được hai thập niên qua chắc chắn là sự phát triển tích cực to lớn đối với đại đa số người dân, nhưng đồng thời cũng có cái giá nhất định của nó, có thể đo lường và định lượng được, như suy thoái môi trường và các tác dụng phụ tiêu cực khác. Với vai trò là hoạ sĩ đương đại, Tâm cảm thấy có trách nhiệm phải tính toán một cách trừu tượng những chi phí văn hoá gắn liền với sự đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Tâm cho biết: “Về văn hoá vật thể, có rất nhiều các di tích, công trình nghệ thuật, các hiện vật đang bị làm mới hoặc đã bị phá bỏ. Các dòng tranh dân gian, rất nhiều làng nghề truyền thống dần dần bị xoá bỏ, thất truyền. Về văn hoá phi vật thể, mức độ biến mất và biến thái văn hoá còn nhanh và mạnh hơn, kinh khủng hơn. Các loại hình văn hóa thơ ca, âm nhạc, kịch không còn được giới trẻ đón nhận và gìn giữ, thay vào đó là rất nhiều sự pha tạp của văn hoá Phương Tây. Đặc biệt là việc suy đồi về văn hoá ứng xử, lễ giáo, tín ngưỡng, tôn giáo, bị biến dạng, mất hết những nét thuần bản sắc của người Việt. Con người trong thế giới hiện đại ngày càng tỏ ra không có văn hoá, bon chen và giả tạo, thậm chí tàn ác. Tất cả là do một nền văn hóa giáo dục không đúng và thất bại.” Mặc dù có những thông điệp thành khẩn về đạo đức trong tranh, nhưng Tâm đã làm bớt tính giáo huấn bằng sự châm biếm và hài hước. Những bức tranh thường hóm hỉnh của anh đề cập đến những mâu thuẫn lố bịch giữa cuộc sống đương đại của các nhân vật trong tranh và quan điểm của anh về cách sống truyền thống của người Việt. Tâm cho biết tranh anh chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa hiện thực hoài nghi của các họa sĩ Trung Quốc. Nổi lên ở Trung Quốc trong những năm thập niên 1990, tác phẩm của những nghệ sĩ theo Chủ nghĩa hiện thực hoài nghi sử dụng các biểu tượng hài hước, châm biếm để đả kích những vấn đề chính trị xã hội của Trung Quốc. Các họa sĩ thường sử dụng chính khuôn mặt của mình với nụ cười toe toét thái quá cho các nhân vật trong tranh. Nghệ thuật của những nghệ sĩ theo Chủ nghĩa hiện thực hoài nghi tập trung vào sự quá độ từ thời đại cũ sang thời đại mới mà Trung Quốc đã trải qua và những hỗn loạn xuất phát từ đó. Tương tự như thế, tranh của Tâm có thể xem như những bình luận hoài nghi về hiện trạng xã hội đương thời ở Việt Nam.
Tâm chọn tranh Đông Hồ làm nền tranh cho nhiều tác phẩm của mình như là biểu tượng của văn hoá truyền thống Việt Nam. Các chủ đề truyền thống của tranh Đông Hồ thường là chúc tụng, các nhân vật lịch sử, chuyện dân gian, cảnh vật và phản ánh cảnh sinh hoạt. Bố cục tranh có xu hướng phản ánh đời sống và các mối quan tâm của người dân vùng nông thôn, sống gần gũi với thiên nhiên. Thường gắn liền với dịp Tết, tranh Đông Hồ từ lâu đã được thợ thủ công Việt Nam dùng để bộc bạch những mối quan tâm của họ về các vấn đề văn hoá, chính trị và xã hội. Là phép ẩn dụ của sự mất mát văn hoá, lựa chọn của Tâm đối với tranh Đông Hồ phù hợp với bối cảnh. Từng có hàng trăm thợ thủ công ở một số làng miền Bắc Việt Nam tham gia sản xuất tranh Đông Hồ, nhưng hiện tại còn rất ít thợ vẫn tiếp tục theo nghề. Từng là niềm tự hào của di sản văn hoá Việt Nam, nhưng tranh Đông Hồ giờ đây hầu như chỉ sản xuất theo ấn phẩm in, là hàng lưu niệm cho du khách nước ngoài. Tâm bộc bạch: “Đã từng có một nền văn hoá truyền thống đẹp, giàu bản sắc, những con người Việt đầy chất nhân văn cao cả, nhưng lại đang từng ngày biến mất dần! Một thiên đường sống cho tất cả chúng ta, sẽ rời bỏ ta. Khi chính chúng ta không biết trân trọng, gìn giữ và bảo vệ những giá trị đó. Thế giới đương đại ngày nay, nơi chúng ta đang từng ngày chà đạp, huỷ hoại những nét đẹp truyền thống quí giá của cha ông từ ngàn đời đã xây dựng lên. Thay bằng một xã hội mới, con người chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân như tiền tài, địa vị, tham vọng thống trị. Bất chấp mọi việc để đạt được mục đích của mình mà không quan tâm tới hậu quả, nó có ảnh hưởng nguy hại ra sao cho tương lai.” Có thể quan điểm của Tâm hơi bảo thủ nhưng cần thiết, và tranh anh không nên bị xem như bản cáo trạng về văn hoá phương Tây, mà anh gọi là “văn minh, tiến bộ và hấp dẫn.” Tâm bị xáo trộn bởi những tác dụng phụ ít tích cực hơn, bao gồm chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa cá nhân do quá trình hiện đại hoá của Việt Nam gây ra. Kết quả lý tưởng, theo Tâm nên là sự tổng hợp giữa truyền thống và hiện đại, có thể cho phép đất nước phát triển và thịnh vượng, đồng thời giữ được nét độc đáo, đặc sắc của Việt Nam. Tâm nói: “Nếu chúng ta có thể quản lý để bảo tồn được cội nguồn truyền thống văn hoá khi đất nước hiện đại hoá, tôi nghĩ người Việt sẽ thuần khiết và tốt đẹp hơn nữa.”
Bùi Thanh Tâm hiện đang sống, và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2009. Thiên Đường Bỏ Ta Đi là triển lãm cá nhân thứ hai của anh tại Craig Thomas Gallery.
Khai mạc triển lãm: Thứ Sáu, 6 tháng 10 năm 2017, 18-21giờ
Thời gian triển lãm: 6 tháng 10 – 2 tháng 11 năm 2017