Chiều 11/10/2017, tại Dinh Độc Lập (TP HCM), 162 đại biểu đã thống nhất bầu ra 33 thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) ở Đại hội lần thứ nhất. Tuy nhiên tính đến nay đã hơn 3 năm 8 tháng xuất hiện (tính cả 3 năm vận động thành lập), với hơn 300 hội viên, nhưng đến nay VCCA vẫn án binh bất động. Để rộng đường dư luận, từ số báo này, báo Du lịch xin cung cấp những thông tin cơ bản để bạn đọc cùng chia sẻ…
Bài 1 : Ẩm thực là chiến lược định hình thương hiệu
Hiện nay hình thái du lịch ẩm thực đang rất phổ biến tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là kiểu kết hợp giữa những tour du lịch với những lễ hội ẩm thực, khu nhà hàng liên hợp hay những chương trình giới thiệu món ăn đặc sản trong các chương trình du lịch, tham quan và tham gia vào quá trình tạo ra các món ăn.
Hình thức này đang phát triển mạnh mẽ và nhận được nhiều sự yêu thích của du khách. Các quốc gia tiêu biểu có loại hình du lịch kết hợp ẩm thực tiêu biểu, ví dụ: nhắc đến Pháp, người ta nghĩ ngay đến món gan ngỗng trứ danh, Ý là nói đến Pizza, Spagetti rượu, Nhật là suhi và sake… đi kèm đó là các lớp dạy cách thức chế biến các món ăn này.
Tất cả các dẫn chứng trên cho thấy, để phát triển thương hiệu du lịch, đích đến của một quốc gia, bên cạnh cảnh đẹp của quốc gia đó thì ẩm thực góp một phần cực kỳ quan trọng để quảng bá thương hiệu du lịch.
Khi nhắc đến các quốc gia trên chúng ta mặc nhiên đều nghĩ ngay về nền văn hóa ẩm thực mang nét riêng của chính đất nước họ. Chính vì thế, khi hội nhập phát triển, sự dịch chuyển của các luồng văn hóa đã mang ẩm thực của mỗi quốc gia đến từng quốc gia khác nhau tạo nên sự đa dạng trong các loại ẩm thực. tuy nhiên, trải nghiệm món ăn tại chính nơi khởi phát vẫn là giá trị không có nơi nào bằng.
Ngày nay, chúng ta có thể thưởng thức được những nét ẩm thực khác nhau, ví dụ du khách có thể thưởng thức sushi Nhật tại Việt Nam, cà ri Ấn tại Singapore hay phố người Hoa tại Thái Lan…. Điều quan trọng chúng ta có thể thấy ẩm thực giống như một “đại sứ thương hiệu” thật sự khi đến một quốc gia khác nó vẫn giữ được nét riêng của chính nét văn hóa. Dù vậy, khách vẫn muốn được đến tận nơi để khám phá, trải nghiệm những giá trị của món ăn tại nơi khởi sinh ra nó.
Điều này hoàn toàn hợp lý khi theo khảo sát đánh giá của UNWTO gần đây, có hơn 88.2% người được phỏng vấn cho rằng ẩm thực là chiến lược định hình thương hiệu và hình ảnh của điểm đến và 11.8% còn lại nghĩ ẩm thực đóng vai trò phụ góp phần định hình thương hiệu du lịch của một quốc gia.
Thế mạnh cần được phát huy
Ẩm thực Việt Nam khá nổi tiếng trên bản đồ ẩm thực thế giới về giá trị dinh dưỡng và đa dạng về cách chế biến nhưng cũng chứa đựng nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt.
Trải dài từ Bắc đến Nam mang theo văn hóa vùng miền, từ đó tao ra nhiều loại hình ẩm thực khác nhau trong tổng số hơn 3.000 món ăn. Miền Bắc chú trọng vào hương vị tự nhiên. Miền Trung đại diện cho ẩm thực cung đình, dân gian. Trong khi miền Nam mang cái dư vị của thời khẩn hoang, mộc mạc.
Nói đến ẩm thực Việt Nam, chắc nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến nhiều món ăn hết sức phong phú, lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, cách chế biến phong phú và đa dạng theo vùng miền. Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, ẩm thực Việt Nam đã có sự thay đổi theo quá trình hội nhập với các nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn giữ được nét “hồn Việt” rất riêng của nó.
Khi nhắc đến Việt Nam, người ta thường nói đến Phở, Chả giò (nem rán), Gỏi cuốn, Bún bò Huế, Bánh mì kẹp thịt, Bánh xèo… Trong năm 2014, Bún chả Hà Nội vinh dự được trang du lịch nổi tiếng National Geographic đưa vào danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất trên thế giới. Hay người Nhật đã lấy ngày 4/4 là ngày của Phở tại Nhật. Rồi mới đây nhất, CNN vinh danh món Gỏi cuốn và Phở là 2 món ăn được yêu thích nhất thế giới…
Ẩm thực Việt Nam càng được đánh giá cao so với các thế mạnh khác của Việt Nam khi cha đẻ của marketing hiện đại Philip Kotler đã từng đến Việt Nam tìm hiểu và phát biểu: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là “bếp ăn của thế giới”.