Sau 3 năm vận động, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã có trên 300 hội viên, chính thức ra mắt ngày 11/10/2017, tại Dinh Độc Lập (TP.HCM). Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa thể đi vào hoạt động “danh chính ngôn thuận” do một vài “trục trặc” không đáng có.
Cớ vì sao?
VCCA được thành lập (theo Quyết định số 1992/QĐ-BNV ngày 12/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ I (2017 – 2022) vào ngày 11/10/2017 tại TP.HCM. Sau khi tổ chức Đại hội, ngày 24/10/2017, Hiệp hội đã gửi Bộ Nội vụ hồ sơ báo cáo kết quả Đại hội nhiệm kỳ I (2017 – 2022) và đề nghị phê duyệt Điều lệ VCCA theo quy định.
Tuy nhiên, mới đây, Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) lại có công văn số 990/BNV-TCPCP ngày 13/3/2018 về việc bổ sung hồ sơ báo cáo kết quả Đại hội thành lập.
Lãnh đạo VCCA cho biết: “Để Hiệp hội nhanh chóng được chính thức thành lập và đi vào hoạt động, Hiệp hội đã điều chỉnh Dự thảo Điều lệ của Hiệp hội”
Theo đó, Hiệp hội đã bổ sung lý lịch của người đứng đầu Hiệp hội là Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội. bên cạnh đó, đơn vị này cũng đã chỉnh sửa quy định tại điều 2 “Tôn chỉ, mục đích” và quy định tại Điểm a Khoản 1 “Hội viên chính thức” của Điều 8 “Hội viên, tiêu chuẩn hội viên” tại Dự thảo Điều lệ Hiệp hội. Theo đó đã bỏ nội dung đối tượng hoạt động của Hiệp hội liên quan đến lĩnh vực “ẩm thực”.
Mặt khác, Hiệp hội đã chỉnh sửa Điều 6 “Quyền hạn” và Điều 7 “Nhiệm vụ” phù hợp với quy định tại Điều 23 “Quyền của hội”, Điều 24 “Nghĩa vụ của hội” tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và quy định tại Điều 6 “Quyền hạn” và Điều 7 “Nhiệm vụ” tại Mẫu 9 “Điều lệ Hội” của Thông tư số 03/2013/TT-BNV.
“Tuy nhiên, do mỗi Hiệp hội có đặc thù riêng, VCCA hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa ẩm thực vì vậy vẫn giữ nguyên các Khoản 1,2,3,4 tại Điều 7 “Nhiệm vụ” để cụ thể hóa các hoạt động của Hiệp hội. Trong trường hợp Vụ Tổ chức phi chính phủ nhận thấy không phù hợp với các quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Thông tư số 03/2013/TT-BNV thì có thể loại bỏ 4 khoản này ra khỏi Dự thảo Điều lệ”, lãnh đạo VCCA cho biết thêm.
Không có ẩm thực sao có văn hóa ẩm thực?
Xin được nói thêm, trước đó, ngày 29/11/2017, Hiệp hội cũng đã được Vụ Tổ chức phi chính phủ thông báo cần chỉnh sửa 2 nội dung trong dự thảo điều lệ. Hiệp hội đã tiếp thu, chỉnh sửa, gửi lại cơ quan này ngày 1/12/2017. Đến ngày 2/1/2018, Bộ Nội vụ lại tiếp tục có công văn yêu cầu Hiệp hội bổ sung lý lịch của người đứng đầu và chỉnh sửa một số nội dung.
Ngày 18/1/2018, văn bản bổ sung đã được Hiệp hội gửi và từ đó đến nay, đã gửi trực tiếp thêm 4 văn bản đến cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ đề nghị sắp xếp thời gian để hai bên làm việc trực tiếp, nhanh chóng hoàn thành thủ tục để hiệp hội được chính thức hoạt động nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Trong công văn gửi Vụ Tổ chức phi chính phủ về việc bổ sung dự thảo Điều lệ Hiệp hội mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA cho biết: “Chúng tôi cũng xin có ý kiến thêm, với tên gọi là VCCA, hoạt động của Hiệp hội không chỉ gói gọn trong lĩnh vực “văn hóa ẩm thực” mà còn liên quan đến lĩnh vực “ẩm thực” do “văn hóa ẩm thực” được hình thành từ “ẩm thực”. Hay nói cách khác nếu không có “ẩm thực” thì sẽ không tồn tại “văn hóa ẩm thực””
“Vì vậy, để hoạt động của Hiệp hội mang đầy đủ ý nghĩa của tên gọi và phù hợp với mục đích khi thành lập là quảng bá ẩm thực và văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm nâng cao giá trị Việt Nam trên thế giới, chúng tôi rất mong Bộ Nội vụ, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về hội nghiên cứu, hướng dẫn để Hiệp hội có thể hoạt động trong lĩnh vực “ẩm thực”, đảm bảo đúng quy định pháp luật nhưng vẫn theo mục tiêu ban đầu của Hiệp hội”, ông Kỳ phân tích và khuyến nghị.
Box:
Mục tiêu của VCCA là khám phá, duy trì và phát triển để đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực. Hiệp hội xây dựng một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú thông qua nhiều sự kiện, chương trình hành động thiết thực như mở trường đào tạo, tổ chức các cuộc thi, chương trình quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước… để tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp.