Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) ra đời và đi vào hoạt động sẽ góp phần tôn vinh và phát triển hơn nữa tinh hoa ẩm thực Việt. Ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua nền văn hóa ẩm thực giàu bản sắc được gìn giữ bao đời.
VCCA sẽ góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia
Theo chia sẻ của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, để thu hút du khách, bên cạnh điểm đến hấp dẫn phải tạo ra sự khác biệt để trở thành biểu tượng độc đáo khai thác và phát triển. Điều này, ở cấp quốc gia chính là nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Trong dòng chảy văn hóa – lịch sử của Việt Nam, các chuyên gia đều thừa nhận, tinh hoa đặc sắc mang giá trị cốt lõi nhất chính là ẩm thực. Chính ẩm thực đã chuyên chở giá trị của quá khứ - hiện tại - tương lai và pha trộn hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Ngay cả những món ăn nước ngoài khi du nhập vào Việt Nam cũng được biến tấu cho hợp với khẩu vị, mang đậm bản sắc Việt.
Ông Lý Sanh, Chủ tịch hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn khẳng định, điều làm nên nét khác biệt trong ẩm thực Việt chính sự cân bằng âm – dương, chua – cay – mặn – ngọt hài hòa, truyền tải trọn vẹn hương vị tự nhiên lại cân bằng giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau, mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng địa phương.
Trong khi đó, các chuyên gia ẩm thực nhìn nhận, các món ăn của Việt Nam tương đối gần gũi với thiên nhiên, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng cũng rất thanh tao, phù hợp với xu thế hiện tại của thế giới đó là hạn chế chất béo, đáp ứng hầu hết yêu cầu về ẩm thực hiện đại. Cách chế biến rất đa dạng khi từ những nguyên liệu bình thường có thể phù phép thành những món ăn đặc sắc.
Văn hóa ăn uống tinh tế là cái hồn tạo nên nét hấp dẫn đối với thực khách. Chính vì thế, Việt Nam xứng đáng với vai trò là “bếp ăn của thế giới” – nơi du khách có thể trải nghiệm một nền văn hóa ẩm thực giàu bản sắc, phong phú, vừa ngon vừa lành…
VCCA cần sớm đi vào hoạt động!
Việt Nam là nước nông nghiệp, đứng đầu thế giới về các mặt hàng nông sản nên ngoài việc phát triển văn hóa ẩm thực, Hiệp hội còn xác minh, chỉ rõ các nguồn cung cấp thực phẩm an toàn. Việc này vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, gia tăng giá trị xuất khẩu, vừa giúp người tiêu dùng an tâm với thực phẩm trên bàn ăn.
Mục tiêu của hiệp hội là khám phá, duy trì và phát triển để đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực. Hiệp hội xây dựng một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú thông qua nhiều sự kiện, chương trình hành động thiết thực như mở trường đào tạo, tổ chức các cuộc thi, chương trình quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước… để tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp.
Chính vì thế, VCCA đã đề ra 21 nhiệm vụ trọng tâm, căn bản phải thực hiện như tập hợp, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa ẩm thực dân gian và hiện đại của Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng các quy định và xác định tiêu chuẩn của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm góp phần phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam; thiết kế các loại hình văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam kết hợp với các hình thức văn hóa ẩm thực hiện đại trong và ngoài nước phù hợp với văn hóa Việt Nam; tổ chức các loại lễ hội văn hóa ẩm thực, thiết kế và sáng tạo trong việc trang trí và trình bày các món ăn mang tính văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam…
Với mục đích giữ gìn, tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam; lưu giữ và phát triển văn hóa ẩm thực Việt trong nhân dân; tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam về bản sắc văn hóa ẩm thực Việt, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc; đồng thời thực hiện quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, sự ra đời của VCCA chính là “cơ hội vàng” để ẩm thực chính thức bước lên một tầm cao mới: trở thành thương hiệu quốc gia.
Xét ở khía cạnh kinh tế, các chuyên gia kinh tế khẳng định, khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế, cho rằng, ẩm thực Việt Nam hiện nay chủ yếu là tự phát, nhiều thành tựu nhưng cũng nhiều biểu hiện nguy hại (đặc biệt ở vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm) và đang trên nguy cơ bị ẩm thực ngoại đè bẹp. Cũng vì tự phát nên các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh khai thác dễ thất bại.
“Ẩm thực là một di sản văn hóa, một nguồn tài nguyên khai thác du lịch rất quan trọng nhưng chưa có tổ chức nhà nước, địa phương nào đầu tư bài bản. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực quốc gia sẽ có đủ tầm để giải quyết các vấn đề này, hình thành một ngành công nghiệp ẩm thực Việt Nam để hội nhập thế giới”.