Loạt bài “Nhân lực ngành Du lịch trong thời hội nhập…” mà chúng tôi đăng tải trong thời gian vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có những giải pháp của các chuyên gia, nhà quản lý. Chúng tôi trích đăng một số ý kiến đó.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: Nhân tố con người có vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch. Trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi AEC có hiệu lực từ cuối năm 2015, mỗi cán bộ và nhân viên ngành du lịch đều là một đại sứ văn hóa của Việt Nam trong con mắt du khách nước ngoài. Hoạt động du lịch ngày càng đòi hỏi những chuẩn hóa trong đào tạo, cũng như đáp ứng những yêu cầu chuẩn hóa và công nhận lẫn nhau về bằng cấp trong ngành du lịch các nước AEC và quốc tế. Đào tạo nhân lực cho ngành du lịch thời gian tới cần chú ý không chỉ đào tạp theo các yêu cầu và chuẩn chung về ngoại ngữ, các nghiệp vụ du lịch, mà còn cần đào tạo cả kiến thức văn hóa, bản lĩnh thị trường và tinh thần tự giác, tự trọng và tự tôn dân tộc cao cho cán bộ quản lý, nhân viên ngành…Các cơ quan chức năng, mà trước hêt là Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH cùng với Tổng cục DL VN cần có sự bàn bạc, phân cấp quản lý để xây dựng các quy chuẩn nội dung chương trình đào tạo nhân lực du lịch một cách thống nhất và khoa học; giúp các cơ sở đào tạo nâng cấp bộ chương trình đào tạo và tăng cường liên kết đào tạo du lịch quốc gia và quốc tế, cũng như giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nhân lực du lịch nói riêng, ngành du lịch Việt Nam nói chung.
Luật sư Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Thư ký kiêm Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa: Nâng cao chất lượng đào tạo - Đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay cần phải xây dựng cơ chế, phương hướng và giải pháp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển nganh du lịch hiện nay. Theo đó, đào tạo trong nước và ngoài nước cho các chuyên gia, giảng viên đầu ngành về du lịch làm việc trong các cơ quan hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, đào tạo. Thu hút công chức, viên chức, các nhà quản lý, doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao trong nước và nước ngoài… tham gia đào tạo du lịch. Đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong hoạt động du lịch. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy để giảng viên, giáo viên và đào tạo viên đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn với chuyên gia nước ngoài, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế. Các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo có sự gắn kết học đi đôi với hành. Các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình học, mã ngành đào tạo khoa học, hợp lý. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã đưa ra bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam làm tiêu chuẩn phục vụ cho việc giảng dạy tại các trường đào tạo ngành du lịch. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này cần áp dụng và thống nhất trong quá trình giảng dạy, phải được xem là kim chỉ nan trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Huy động các nguồn lực và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch. Ngoài việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, còn cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch. Có cơ chế, chính sách phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo, tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo. Tạo cơ sở kiến tập, thực tập, hỗ trợ kinh phí cho người học. Chú trọng phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trong các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong công tác nghiên cứu, đào tạo du lịch như đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, xây dựng giáo trình đào tạo du lịch điện tử.... Sớm hoàn thiện cơ cế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Rà soát các chính sách đã ban hành, nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, thủ tục hành chính, thông tin thị trường cho nhà đầu tư vào đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Điều này tạo điều kiện cho sinh viên có thể tiếp xúc với thực tế ngay khi còn đang học. Đây là cơ hội để sinh viên có được những trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm từ những cọ xát thực tế. Đề nghị các cấp, các ngành trình Chính phủ chỉ đạo mở trường Đại học Du lịch; hỗ trợ đào tạo đội ngủ giảng viên có kinh nghiệm chuyên sâu hơn; thu hút hợp tác và liên kết quốc tế tổ chức đào tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo riêng cho ngành du lịch, sinh viên đươc đào tạo chất lượng và chuyên sâu hơn…hình thành đội ngủ nhân lực tốt và bền vững. Đối với doanh nghiệp sử dụng nguồn lực du lịch cần xây dựng cơ chế lương, thưởng linh hoạt để thu hút, giữ chân và phát huy vai trò nhân lực chất lượng cao làm việc tại doanh nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn (cử cán bộ đi học hoặc mời chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch) để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tại doanh nghiệp. Nâng cao vai trò và sự tham gia của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch địa phương, Hiệp Hội Du lịch Đào tạo Việt Nam nhằm kết nối cung cầu, liên kết đào tạo, thẩm định chất lượng đào tạo...
Tóm lại, đào tạo và phát triển nhân lực ngành du lịch là nhiệm vụ quan trọng, cần phải được xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai, áp dụng một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhằm hình thành, phát triển đội ngũ nhân lực có chất lượng cao cho ngành, cho đất nước. Đào tạo và phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn đến năm 2020 phải được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu trong lĩnh vực quan trọng này. Hơn thế nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đảm bảo nâng cao về chất lượng, chủ động sáng tạo, đề xuất xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch mới. Chính nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ để thu hút khách du lịch và tạo động lực để khách hàng có những nhu cầu mới. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch. Với trình độ, kiến thức, kỹ năng của nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, họ sẽ giúp cho doanh nghiệp khai thác được tài nguyên du lịch và bảo vệ tài nguyên du lịch.