Theo Tổng cục du lịch, đến 2020 Việt Nam phấn đấu đón 10 – 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 – 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18 – 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 – 7% GDP cả nước; có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35 – 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5; tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch. Xây dựng đội ngũ nhân lực với số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn là đòi hỏi cấp thiết để du lịch Việt phát triển và hội nhập thành công trong bối cảnh mới…
Kỳ 1: Cần chuẩn hóa đào tạo nhân lực du lịch Việt
Ngành du lịch Việt Nam đã đóng góp hơn 6,6% GDP, tạo ra khoảng 5,5% việc làm cho đất nước. Tuy nhiên, có khoảng 30 – 40% nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa qua đào tạo nghiệp vụ…Hệ thống đào tạo…Trong bối cành toàn cầu hóa, hội nhập khu vực mậu dịch tự do các nước Đông Nam Á (ASEAN), vấn đề giáo dục và việc làm càng trở nên thách thức gay gắt khi các nguyên tắc được thỏa thuận về nhiều nghề được luân chuyển trong khối ASEAN có 8 ngành, trong đó có các nghề thuộc ngành du lịch. Theo đó, phát triển du lịch Việt Nam trong Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 cũng chỉ rõ “tính chuyên nghiệp đòi hỏi phải có đội ngũ tinh thông, chuyên nghiệp”.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia trong Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020 thì cơ cấu theo trình độ đào tạo của nhân lực ngành Du lịch nước ta hiện nay đang mất cân đối. Nhân lực phục vụ chiếm một tỷ lệ lớn trong nhân lực trực tiếp nhưng nhìn chung trình độ đào tạo thấp, hiểu biết vè văn hóa xã hội và văn minh giao tiếp hạn chế. Ở góc độ đào tạo về du lịch, hiện nay cả nước có 346 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo du lịch các cấp đào tạo từ dưới sơ cấp đến sau đại học. Trong đó, 115 cơ sở tham gia đào tạo đại học và cao đẳng du lịch, 144 cơ sở dào tạo trung cấp chuyên nghiệp và 87 cơ sở đào tạo nghề du lịch (trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung cấp dạy nghề).
Theo tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay nhiều trường tự xây dựng chương trình đào tạo với các môn chuyên ngành khá khác biệt, thậm chí nếu sinh viên muốn chuyển trường (cùng ngành đào tạo) cũng rất khó khăn khi chuyển môn học tương đương, vì sự thiếu thống nhất từ chương trình đào tạo. “Với việc không đồng bộ tài liệu dạy và học đã ảnh hưởng rất lớn đến các sinh viên. Cụ thể là việc khi các em sinh viên có nhu cầu học liên thông hoặc khi cọ xát với môi trường thực tế thì gặp phải rất nhiều khó khăn”.
Nhằm khắc phục tình trạng đó, từ năm 2011, một dự án về nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch do Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ đã được triển khai tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ EU, ngành du lịch đã xây dựng một Bộ tiêu chuẩn nghề và triển khai đào tạo tại nhiều cơ sở, doanh nghiệp và đơn vị du lịch. Hiện tại, hệ thống Bộ tiêu chuẩn nghề đã có tất cả 14 Trung tâm thẩm định đặt tại các trường đào tạo du lịch; 57 Trung tâm đánh giá đặt tại các doanh nghiệp du lịch, với gần 3.000 đào tạo viên của gần 700 đơn vị gồm các công ty lữ hành, khách sạn và các trường đào tạo tham gia. Chương trình này được kỳ vọng mang lại nhiều đóng góp tích cực đối với việc đào tạo nhân lực du lịch. Như vậy, những đơn vị có nhân viên được đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn nghề được xem là hạt nhân nòng cốt để phổ biến chứng chỉ nghề này trên toàn quốc. Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trang không thống nhất chương trình đào tạo thì e rằng, sinh viên ra trường vẫn cứ gặp cảnh “phải đào tạo lại” như bấy lâu nay. Đào tạo lại”…Có lẽ “đào tạo lại” là cụm từ mà hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều đề cập tới khi nói về vấn đề tuyển dụng nhân sự hiện nay. “Đào tạo lại” bởi lẽ phần lớn sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đều bỡ ngỡ trước thực tế công việc, bởi các trường đào tạo “mỗi nơi mỗi kiểu”. Khi tuyển dụng, hầu hết doanh nghiệp du lịch phải mất thêm một khoảng thời gian và kinh phí để “đào tạo lại”, nhằm giúp cho lực lượng lao động này vận hành kịp theo bộ máy của mình. Điển hình như Vingroup, một trong những tập đoàn đầu tư, hoạt động về du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trong suốt thời gian qua. Riêng đội ngũ nhân viên trong lĩnh vực này của Vingroup cũng khoảng 7.000 người. Thế nhưng, theo chia sẻ của đơn vị quản lý nhân sự, hầu hết những nhân viên này đều phải trải qua quá trình đào tạo lại, dù rằng họ đã có bằng đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp hay chứng chỉ nghề.
Theo đại diện ban lãnh đạo Vinpearl, hầu hết đội ngũ nhân sự được tuyển dụng đầu vào đều ít nhiều chưa đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra. Bởi vậy, luôn phải có những chính sách đào tạo, chiến lược đào tạo riêng, để đảm bảo các nhân sự mới khi vào thì nhanh chóng được hòa nhập về nghiệp vụ. Đặt mục tiêu xây dựng chất lượng dịch vụ có đẳng cấp quốc tế, có quy mô ngày càng phát triển, Tập đoàn này đã tự xây dựng Bộ tiêu chuẩn nghề dành riêng cho nhân viên các bộ phận của mình. Bên cạnh đó, Vingroup cũng đã liên kết và phối hợp với nhiều đơn vị cố vấn khác để triển khai đào tạo. “Chúng tôi cũng hợp tác với nhiều đối tác, chẳng hạn với Viện Du lịch bền vững Việt Nam để đào tạo nghề cho nhân viên trong dịch vụ khách sạn. Theo đánh giá của Viện Du lịch bền vững Việt Nam, chúng tôi là một trong những tập đoàn tiên phong trong việc tự xây dựng ra bộ tiêu chuẩn khách sạn riêng của mình. Chúng tôi kế thừa những thông lệ tốt của ngành khách sạn thế giới nhưng phù hợp với đặc thù của Vinpear. Chúng tôi cũng là cơ sở đầu tiên tiến hành đồng bộ từ việc xây dựng tiêu chuẩn riêng cho mình dến các khâu khác trong quy trình hoạt động kinh doanh”, đại diện ban lãnh đạo Vinpearl cho biết thêm.
Trong khi đó, theo phòng nhân sự của Công ty Vietravel, Công ty sẽ sử dùng nguồn nhân lực từ các bạn sinh viên thực tập tại đơn vị và sẽ trực tiếp đánh giá năng lực thông qua chất lượng làm việc cùng sức chịu đựng áp lực cao, để đề xuất giữa làm nhân viên chính thức. Lao động du lịch chưa qua đào tạo hoặc đào tạo thiếu chuẩn, không thống nhất trong giáo trình đào tạo dành cho sinh viên ngành và xa rời với thực tiễn hoạt động du lịch… đã, đang và sẽ tiếp tục là một khó khăn và bài toán làm đau đầu doanh nghiệp và trực tiếp cản trở sự phát triển hoạt động du lịch. Sớm tìm lời giải cho bài toán này là thiết thực góp phần không chỉ giúp các doanh nghiệp đỡ tốn chi phí và thời gian đào tạo lại sinh viên sau khi đã tốt nghiệp, mà còn giúp sinh viên dễ tiếp cận việc làm và phát huy hiệu quả những kiến thức được tiếp thu trong nhà trường. Từ đó, trực tiếp và gián tiếp góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch, cả cấp vĩ mô và vi mô, hiên tại và tương lai, phù hợp với thời hội nhập. (Còn nữa)
Box: “Trong khi các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay vẫn chưa thống nhất các giáo trình đào tạo, gây khó khăn trong việc thẩm định chất lượng lao động của các đơn vị tuyển dụng, thì Bộ tiêu chuẩn nghề được triển khai như là một thước đo tiêu chuẩn hạng của các cơ sở, dịch vụ kinh doanh du lịch”, GS.TS Đào Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), Chủ tịch Hiệp hội đào tạo Du lịch Việt Nam, cho biết.