Nằm bên mé biển thuộc làng chài Phước Hải, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ngọc lăng Nam Hải được xem là nơi an táng cá ông lớn nhất Việt Nam
Khu nghĩa địa tọa lạc trên đồi cát, dưới tán bóng cây dương rộng chừng 3.000m2. Nghĩa địa có 5 phần: Lăng thờ Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân, miếu thờ Quán thế âm Bồ Tát, miếu thờ Thổ công, miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ táng cá voi. Toàn bộ các công trình đều có hướng nhìn ra biển
Lăng thờ Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân được thiết kế hình lục hành, trang trí đẹp mắt.
Trên bàn thờ trong điện thờ chính Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân có bức di ảnh khổ lớn và tượng 3 cá voi nằm song song, hướng ra biển.
Miếu thờ Quán thế âm Bồ Tát sát mé biển . Các ngư dân ở đây kể về một truyền thuyết: Phật Quán thế âm Bồ Tát được Thượng đế ban cho chức Nam Hải Bồ Tát để cứu nạn con người trên biển cả. Tuân lệnh Thượng đế, Phật bà xé chiếc áo cà sa làm vạn mảnh thả khắp mặt biển rồi dùng phép màu hóa thành cá ông để cứu giúp thuyền bè gặp nạn. Phật bà còn phong cho cá ông chức Nam Hải Đại vương.
Khu mộ táng có trăm ngôi mộ được và có bia đá.
Một số chủ ghe cho biết khi đi đánh cá nếu thấy cá ông chết thì lập tức đưa "ông" về đất liền, thông báo ngay với gia đình chuẩn bị lễ mai táng. Khi thuyền cập bờ, mọi người phải có mặt để rước xác cá ông. Những lần đi biển, ghe nào gặp xác cá ông là ghe đó gặp vận may.
Xác cá ông được đưa vào Ngọc lăng, được tắm rửa sạch sẽ, khâm liệm cẩn thận. Người con trai cả của tàu gặp xác cá ông quỳ chịu tang "ông" suốt buổi lễ, sau đó đưa xác vào huyệt mộ rồi dựng bia. Tất cả những ngôi mộ đều được đắp nấm cát, có lư hương và tấm bia đá viết "Nam Hải chi mộ", ngày tháng năm chết của "ông".
Người con trai cả của chủ ghe sẽ đứng tên để tang "ông", vì thế sau bia đá có ghi tên con trai cả của chủ tàu hoặc tên của chủ tàu phát hiện xác cá. Sau 3 ngày chôn cất, sẽ làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, 3 tháng 10 ngày cúng tuần, giỗ đầu.
Nhiều chủ ghe vẫn thường tới thắp hương, nhất là những lần chuẩn bị đi biển. "Trong thời gian 3 năm, người chịu tang phải kiêng cữ giống như chịu tang cha mẹ, nếu bê tha sẽ bị "ông" bắt phạt", chủ tàu Hưng Nhân cho biết.
Nhiều ngôi mộ được đắp từ năm 2010, nên vẫn còn nguyên nấm cát.
Nhưng cũng có một số ngôi mộ chỉ còn lại bia đá.
Một ngôi mộ vì nằm ngoài khu nghĩa địa nên chủ tàu dùng dây rào lại.
Nhiều chủ ghe liên tục gặp xác cá ông nên có nhiều mộ phía sau bia đá có cùng một tên chủ tàu. Trong ảnh: Chủ tàu 53 chôn 2 cá ông gần nhau vào ngày 14/5/1013 và 4/9/2013.
Những hàng ghế đá phục vụ cho người vào làm lễ, thắp hương, tham quan được các chủ tàu phụng cúng.
Một số ngư dân chuẩn bị lưới đánh cá trước lúc đi biển ngay trong lăng.
Sau 3 năm, người chịu tang sẽ làm lễ cải táng đưa hài cốt cá ông từ lăng về Dinh Ông Nam Hải cách lăng khoảng 1km để thờ, nhường đất an táng cho những cá ông khác. Lễ cải táng được gọi là "Thượng ngọc cốt" và khi đem vào dinh thờ gọi là "Thỉnh ngọc cốt".
Trong Dinh Ông Nam Hải thờ nhiều vị thần, bàn thờ Ông Nam Hải được ở trung tâm.
Ngay sau cổng dinh là nhà lưu tro cốt của hàng trăm cá ông. Những gia đình từng chịu tang "ông" sẽ tới cúi bái vào ngày lễ cúng "ông" hàng năm (16/2 âm lịch). Nhiều người dân ở các vùng khác cũng về đây cúng bái mong "ông" phù hộ.
Trên bệ thờ nhà lưu tro cốt có bộ hài cốt còn nguyên vẹn của một cá ông chết đã lâu.
Những bộ hài cốt cá ông đem từ lăng về được bỏ vào dưới bệ thờ nhà lưu tro cốt. Một số ngư dân cho biết, khi cải táng cá ông, nếu lấy răng của ông cho trẻ em đeo thì sẽ mang lại nhiều may mắn, ngủ không bị giật mình. Được biết, hàng năm ở Phước Hải có hàng chục cá ông chết dạt vào bờ. Do quá nhiều hài cốt, không có chỗ để nên đã nhiều lần hỏa thiêu.
Một đoạn xương sống cá voi khổng lồ có đường kính khoảng 30cm được lưu giữ tại Dinh Ông Nam Hải.