Ký sự : Phạm Gia Nghi
(Nhân dịp kỷ niện 70 năm giải phóng Thủ đô)
Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Toàn dân vùng kháng chiến vô cùng sung sướng, nô nức mở hội. Bà Hưng mừng rỡ, lập tức viết thư gửi về 54 Lãn Ông, Hà Nội báo tin đến cụ Hạnh và các anh chị cuả bà biết về vợ chồng bà và bốn người con vẫn khoẻ mạnh, đang ở Nông Ếch, Thanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ. Hẹn ngày tiếp quản Hà Nội ổn định và ông Bái hoàn thành công tác trao trả tù binh ở Trung Giã trở về, cả gia đình bà sẽ thu xếp trở về Hà Nội.
Thư gửi đi được một thời gian, bỗng chiều ngày 08 tháng 10 năm 1954, ông bếp Nghĩa đi xe đạp từ Hà Nội tìm đến tận nhà. Bà Hưng bất ngờ quá, gọi các con rối rít: “Ông bếp Nghĩa lên thăm nhà mình đây này các con ơi”. Nghe tiếng mẹ gọi, Phúc Minh và Phúc Thanh chạy ra, ôm chầm lấy ông bếp Nghĩa, mừng vui cuống quýt, Phúc Bình thì ngơ ngác, không nhận ra ông bếp Nghĩa còn Phúc Tâm thì chẳng biết gì. Bà Hưng đỡ chiếc xe đạp từ tay ông bếp Nghĩa, dựng sát trước cửa nhà, rồi mời ông vào nhà nghỉ ngơi uống nước. Bà thong thả hỏi ông:
- Làm sao ông tìm được đến đây thế này?
Ông bếp Nghĩa nhìn bà, không trả lời ngay mà từ từ nói:
- Bà mới sinh thêm cháu gái, lại ra kháng chiến gian khổ, cụ Hạnh và mọi người vẫn nghĩ bà sẽ gầy gò và khắc khổ, vậy mà bà vẫn xinh đẹp như lúc tôi chia tay ông bà và các cháu ở làng Hoàng Xá, Thanh Thuỷ, Phú Thọ.
Bà Hưng cười:
- Cám ơn ông! Vất vả lắm ông ơi! Ông nhà tôi thường đi công tác xa, mấy mẹ con phải tự làm hết mọi việc, từ công việc trong nhà, lao động kiếm sống đến chăm lo cho các cháu học hành, khoẻ mạnh. Điện không có, nước máy cũng không, chỉ có gió rừng và nước giếng khơi, nhưng như thế cũng mát mẻ và trong lành lắm. Mấy năm gần đây, tôi nghỉ công tác ở cơ quan, trở lại nghề thuốc gia truyền, làm thuốc cứu người bệnh, nên cũng đủ ăn, đủ mặc. Bà ngưng lại rồi nói:
- Thôi, ông kể chuyện về ông, về cụ Hạnh và các ông bà nhà tôi ở Hà Nội cho tôi biết đi, tôi sốt ruột quá rồi.
Ông bếp Nghĩa thong thả:
- Vâng! Chia tay ông bà và các cháu, tôi về Thanh Oai, Hà Đông được một tháng thì cụ Hạnh cho người tìm, bảo tôi ra Hà Nội giúp cụ việc đầu bếp trong nhà như trước khi cụ cho tôi về giúp ông bà. Từ đó, tôi lại ra làm đầu bếp cho cụ. Nhận được thư của bà gửi về, cụ Hạnh và cả nhà mừng lắm. Đúng lúc cụ Hạnh đang mong bà từng ngày và khi sức khoẻ của cụ ngày càng kém đi. Cụ xót xa lắm. Cụ bảo: “Có cô con gái út, mồ côi cha từ khi còn nằm trong bụng mẹ, lấy ông Bái, lại mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới 7 tuổi, phải sống với bà nội goá bụa là cụ Trương Thị Thuần ở Yên Mẫn, Bắc Ninh. Đến năm ông Bái 19 tuổi thì cụ Thuần mất, ông một mình bơ vơ, phải ra Hà Nội ở với anh rể là ông Nguyễn Quang Dụ và chị gái là bà Phạm Thị Nghĩa, rồi tự đi học nghề hội hoạ để sinh sống. Ngày hỏi cưới bà, cụ đã định không cho cưới vì thấy ông Bái có hoàn cảnh quá đau khổ. Nhưng nhờ có ông bà “Phán Dụ” là người có danh giá, thay mặt nhà trai đến xin cưới cho cậu em, cụ mới bằng lòng. Sau ngày cưới, cụ hết lòng bù trì (chăm lo, nuôi nấng chu đáo) cho ông bà. Mặt khác, ông bà cũng chí thú làm ăn nên đời sống gia đình mới khá lên một chút. Nuôi nấng được ba con trai, làm được cái nhà để an cư lạc nghiệp. Nào ngờ quân Pháp lại vào Hà Nội, đánh chiếm thành phố, ông bà rời Hà Nội ra kháng chiến lâu dài. Suốt 8 năm ròng, không có tin tức gì gửi về, cụ chẳng hiểu ông bà gặp điều lành hay giữ, có sống cảnh kham khổ, gầy gò ốm yếu không? Cụ lúc nào cũng buồn phiền.
Bà Hưng nghe đến đây, đã rưng rưng nước mắt. Phúc Minh, Phúc Thanh cũng đờ đẫn cả người. Phúc Bình và Phúc Tâm còn nhỏ, thì vẫn lắng nghe như nghe chuyện cổ tích. Bà Hưng ngắt lời ông bếp Nghĩa:
- Cụ tôi sức khoẻ thế nào hở ông? Ông bếp Nghĩa nhìn bà Hưng ngần ngại, nhưng vẫn phải nói ra sự thật:
- Sức khoẻ của cụ gần đây xấu đi nhiều lắm, cụ chỉ nằm một chỗ thôi. Nhận được thư bà gửi về báo tin gia đình bà có thêm cháu Phúc Tâm sinh ra trong kháng chiến, hẹn ngày tiếp quản Hà Nội ổn định sẽ trở về, cụ Hạnh tỉnh hẳn người. Nhưng cụ bảo:
- Tôi ốm nhiều ngày rồi, sức yếu lắm. Như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào. Đợi đến lúc tiếp quản Hà Nội ổn định, chúng nó mới về thì tôi chắc gì còn sống để gặp chúng. Thôi! các ông các bà làm cách gì thì tuỳ, nhưng phải đón được vợ chồng nó và các cháu khốn khó của tôi về ngay cho tôi. Tôi không muốn chờ thêm một ngày nào nữa.
Ông bếp Nghĩa tiếp lời:
- Cụ khóc ròng rã đêm ngày, ai khuyên can cũng không được. Mọi người sợ quá.
Tối hôm qua, cả nhà phải quyết định, cử tôi tìm đường ra ngoài này đưa ông bà và các cháu về ngay gặp Cụ. Tôi dùng chiếc xe đạp nữ của cháu Diệp, con ông bà Hai, sáng sớm đạp xe đi Sơn Tây, lên Trung Hà, qua Vũ Ẻn rồi tìm vào đây. Vừa đi vừa hỏi đường, cũng may là bà ghi địa chỉ rất rõ ràng, nên tôi tìm được đến đây ngay.
Bà Hưng nói với ông bếp Nghĩa:
- Ông đã lên đây với câu chuyện như thế rồi, thì tôi phải thu xếp về ngay thôi. Nhưng ông Bái nhà tôi lại đang đi Trung Giã làm công tác trao trả tù binh Pháp. Phải trao trả xong tù binh, mới về nhà được. Bây giờ cũng không báo được tin cho ông ấy. Tôi và ông đưa cả bốn cháu về thì lếch thếch quá, vội vã quá, không đi ngay được. Nên tôi chỉ đưa cháu Phúc Tâm đi cùng thôi. Ba cháu Phúc Minh, Phúc Thanh, Phúc Bình ở lại, đợi bố Bái các cháu về rồi đi sau. Rất may là năm nay, các trường học vùng kháng chiến (vùng tự do) đã kết thúc năm học sớm, tạo điều kiện cho học sinh theo gia đình hồi cư về quê cũ. Chắc các cháu còn được nghỉ lâu lâu mới vào năm học mới. Bây giờ, tôi làm cơm, mời ông ăn cơm rồi nghỉ ngơi. Tôi cũng phải thu xếp cho 3 cháu ở lại và nhờ các ông bà hàng xóm giúp đỡ khi tôi vắng nhà. Bà gọi Phúc Minh, Phúc Thanh, Phúc Bình lại gần và hỏi:
- Mẹ phải về Hà Nội ngay sáng mai, bà ngoại của các con ốm nặng. Các con ở lại, ba anh em tự chăm sóc cho nhau có được không?
Phúc Minh trả lời mẹ:
- Được mẹ ạ, mẹ cứ yên tâm về thăm bà, chúng con có thể chăm sóc cho nhau đợi bố, mẹ về. Chúng con đã lớn rồi, có công việc gì ở nhà mình mà chúng con chưa từng làm đâu. Ba anh em tự chăm sóc cho nhau được, có phải không Phúc Thanh, Phúc Bình.
Thấy anh hỏi, cả hai em đều gật đầu và nói to:
- Vâng.
Bà Hưng cũng thấy yên tâm, bà đặt nồi cơm lên bếp củi rồi dặn Phúc Minh trông nồi cơm và làm thức ăn cho cả nhà rồi bà chạy đi quanh các nhà hàng xóm nhờ mọi người trông nom, giúp đỡ các con còn nhỏ của bà. Cũng là để chào tạm biệt, bà đi về Hà Nội.
Tin tức về ông bếp Nghĩa từ Hà Nội ra đón bà Hưng về Hà Nội, nhanh chóng đến tai cô Tô Thị Lộc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Vân, cô mừng quá tìm đến ngay nhà bà Hưng, cô nói với bà Hưng:
- Chị ơi! em cũng đang định về Hà Nội, nhưng đi một mình thì lạ đường, lạ cái. Nay có ông bác từ Hà Nội ra đón chị về Hà Nội, em xin được đi cùng, chị cho phép được không?
Bà Hưng cười rạng rỡ:
- Có cô cùng đi thì vui quá, có gì mà không được. Cô về chuẩn bị đi, sáng mai ta khởi hành sớm. Có điều phải đi bộ ra Vũ Yển đấy. Tới Vũ Yển mới đi đò dọc về Trung Hà, rồi tìm xe ô tô về Hà Nội cô ạ.
Cô Lộc bảo:
- Không sao chị ơi! Chị đi bộ được thì em đi được mà.
Bữa cơm tối tiễn mẹ về Hà Nội thăm bà ngoại đang ốm nặng quá vội vàng, Phúc Minh không làm được món gì ngon. Chỉ có cá trê kho khô, rau muống luộc và trứng gà xào với cà chua. Thế mà ông bếp Nghĩa vẫn khen ngon, còn nói đùa là sau này Phúc Minh có thể làm đầu bếp thay ông được đấy.
Hôm sau, cả nhà dậy sớm, bà Hưng chuẩn bị sẵn tiền đong gạo, tiền mua thức ăn trong một tháng cho ba con trai và dặn rằng:
- Nếu thiếu tiền thì vay tạm ông bà Ánh Vàng, mẹ đã nói với ông bà rồi, khi nào mẹ hoặc bố về sẽ gửi trả ông bà.
Sáng hôm sau, bà đã chuẩn bị sẵn “cái địu” bằng vải diềm bâu màu xanh, bà tự khâu để địu Phúc Tâm trên đường đi. Còn hành lý mang theo của bà, của Phúc Tâm và của ông bếp Nghĩa thì bà giao cả cho ông bếp Nghĩa để vào một tay nải khoác trên vai. Vừa chuẩn bị xong, thì cô giáo Lộc đến cùng đi, cô cũng chỉ khoác trên vai một tay nải gọn nhẹ. Ông bếp Nghĩa để lại chiếc xe đạp ở nhà bà Hưng để đi bộ cùng đoàn, đỡ lỉnh kỉnh khi đi đò, đi xe ô tô. Khi nào ông Bái về, sẽ mang xe đạp về Hà Nội sau. Bà Hưng địu Phúc Tâm sau lưng rồi dặn lại ba con trai:
- Mẹ chỉ đi khoảng một tháng thôi, bà ngoại đỡ là mẹ về ngay. Ba anh em ở nhà nhớ chăm sóc nhau thật tốt nhé.
Nói đến đây, hai mắt bà đã đỏ hoe, bà không giám quay đầu nhìn lại các con, sợ rằng không kìm được nước mắt. Bà chia tay các con mà lòng trĩu nặng, vừa lo cho các con vừa lo cho mẹ già ở Hà Nội không biết có qua khỏi cơn nguy kịch không?
Bà Hưng, ông bếp Nghĩa và cô Lộc đi hết phố Thanh Cù, bắt đầu rẽ ra đường đi Vũ Ẻn thì có một xe ngựa chở người từ phía Yên Kỳ chạy vượt lên. Nhìn thấy trên xe vẫn còn vắng người, bà Hưng gọi to:
- Cho chúng tôi đi Vũ Yển vơ….ơ…ới.
Ông đánh xe ngựa, một người đã đứng tuổi, cho xe chạy chậm dần rồi dừng hẳn, ông xuống xe, quay lại đỡ bà Hưng đang địu Phúc Tâm lên xe. Ông bếp Nghĩa và cô Lộc cũng nhanh nhẹn chạy theo lên xe. Bà Hưng mừng quá, gỡ địu Phúc Tâm ở sau lưng ra và đặt Phúc Tâm lên lòng rồi nói lời cảm ơn:
- Xin cám ơn ông chủ xe và mọi người, đã giúp chúng tôi bớt được đoạn đường đi bộ dài vất vả. Ông đánh xe lên tiếng:
- Không có gì đâu, từ chỗ chúng tôi ở Yên Kỳ ra Vũ Yển xa hơn Thanh Cù nhiều, nên phải đi xe ngựa bà ạ. Chắc bà về Hà Nội phải không?
Bà Hưng trả lời:
- Vâng ạ.
Mọi người trên xe lên tiếng:
- Thế thì cùng về Hà Nội cả, thêm bạn đồng hành rồi.
- Bà về khu phố nào của Hà Nội?
- Tôi về phố Lãn Ông, gần Hồ Hoàn Kiếm.
- Ồ! Trung tâm Hà Nội rồi. Chúng tôi cũng về quanh quanh khu vực ấy.
Câu chuyện thăm hỏi lẫn nhau trên xe ngựa rôm rả, vui vẻ hẳn. Đoạn đường xa gần mười cây số cũng hoá thành gần và nhanh chóng đến rồi. Mọi người xuống xe, líu díu kéo nhau đi tìm đò dọc xuôi về Trung Hà. Bà Hưng lại địu Phúc Tâm lên lưng cùng ông bếp Nghĩa và cô giáo Lộc đến gần ông đánh xe ngựa xin được trả tiền đi xe. Ông đánh xe ngựa nói:
- Thôi! Bà, ông và cô đây không phải trả tiền nữa. Tôi mừng tiền này cho các ông, bà cùng cháu bé về Hà Nội thuận lợi. Mọi người đi xe từ Yên Kỳ đã trả đủ tiền cho chuyến xe của tôi rồi. Chúc nhà mình đi đường may mắn, an toàn.
Bà Hưng thay mặt mọi người:
- Ông thật quý hoá quá. Tôi xin cám ơn ông nhiều.
- Không có gì đâu. Ba người xuống tìm đò dọc đi, mọi người đi hết rồi.
Chào tạm biệt ông đánh xe ngựa vừa mới quen, cũng không kịp hỏi tên ông, bà Hưng, ông bếp Nghĩa và cô giáo Lộc theo đường bờ sông xuống bến đò dọc.
Bến đò dọc Vũ Ẻn đã có từ lâu rồi, nhưng thường chuyên chở hàng hoá như chè búp, sơn, ngô, khoai, sắn… v.v, về vùng xuôi và chở muối ăn, nước mắm, cá khô… lên vùng ngược. Chỉ trong dịp hoà bình vừa được lập lại này, người Hà Nội và các tỉnh miền xuôi ra kháng chiến tấp nập tìm về quê cũ, các con đò dọc mới kết hợp chở thêm người. Trên mỗi con đò dọc, đã có đến bốn, năm người là người nhà đò, cộng thêm một vài người chủ hàng nữa, đò đã đủ đông rồi. Bà Hưng, ông bếp Nghĩa, cô giáo Lộc và bé Phúc Tâm lên được chuyến đò dọc này là vừa khéo. Chủ đò là đôi vợ chồng trẻ, cùng một người là chủ hàng và ba thanh niên trẻ khoẻ, chuyên bốc vác hàng hoá và kéo đò lúc trở về ngược dòng sông Hồng. Sắp xếp, ổn định chỗ nghỉ ngơi trên đò xong, trời đã sẩm tối, nhà đò mời mọi người dùng cơm tối, có cá lăng sông Hồng kho, rau muống luộc và rau cải nấu canh tôm đồng phơi khô. Xong bữa, bà Hưng cho bé Phúc Tâm ngủ và thúc dục ông bếp Nghĩa, cô giáo Lộc đi ngủ sớm để hôm sau còn đi tiếp chặng đường về Hà Nội. Con đò đêm, xuôi theo dòng sông Hồng, được cánh buồm mũi, cánh buồm giữa và cánh buồm đuôi cùng đón gió, tăng tốc chạy về miền xuôi. Đò lướt theo dòng nước êm đềm, lại vào mùa Thu mát mẻ, nên bà Hưng, ông bếp Nghĩa, cô giáo Lộc và bé Phúc Tâm được một đêm ngủ ngon lành. Sáng ra, đò cập bến phía nam Trung Hà. Chủ đò mời ăn sáng, bà Hưng xin phép cho cả nhóm lên bờ ngay, để sớm tìm xe ô tô về Hà Nội. Nhưng chủ đò giữ lại:
- Các ông bà phải ăn lót dạ đã, lên bến đò này chưa chắc đã mua được thứ gì ăn đâu, chịu đói cả ngày thì khổ lắm đấy.
Chủ đò đưa ra mời một đĩa to bánh Tai (bánh Hòn) có hình con Trai màu trắng đục của bột gạo tẻ, nhân thịt nạc băm, trộn với mỡ, hành khô thơm béo, vừa được hấp nóng lại, khói còn bay nghi ngút. Nghe lời nói phải, bà Hưng cùng mọi người vui vẻ cầm ăn mỗi người vài ba chiếc bánh, tuy dân dã nhưng thơm dẻo, tạo ra vị béo mà không bị ngán. Mọi người đã chắc dạ, bà Hưng cám ơn chủ đò, rồi địu Phúc Tâm trên lưng, dẫn đầu nhóm đi ra đường nhựa. Bà thấy trên đường rất đông bộ đội, đang tập hợp lên xe ô tô hướng về Hà Nội. Bà đến gần một tốp đông các anh bộ đội, theo sau là ông bếp Nghĩa và cô giáo Lộc, hy vong tìm được sự giúp đỡ. Một anh bộ đội, có lẽ là chỉ huy đơn vị nhìn thấy dáng vẻ lếch thếch, vội vã của bà Hưng và cả nhóm, anh đoán có lẽ họ đang tìm đường hồi cư, anh liền bước tới hỏi bà Hưng:
- Chị và cháu từ đâu về và định đi đâu bây giờ?
Bà Hưng kể cho anh bộ đội nghe về chuyện của mình:
- Tôi là người Hà Nội, ra kháng chiến. Vợ chồng tôi công tác ở Ty Công an tỉnh Phú Thọ. Chồng tôi đang làm công tác trao trả tù binh ở Trung Giã. Tôi mới nghỉ công tác khi sinh cháu Phúc Tâm đây. Bây giờ được ông người nhà từ Hà Nội ra báo tin, mẹ tôi ở 54 Lãn Ông, Hà Nội đang ốm nặng, phải đón gia đình tôi về gặp cụ ngay. Gấp quá, tôi phải một mình đưa con về, mà chưa biết có còn kịp gặp cụ được không? Bà Hưng dừng lại một chút và quay lại phía sau mình:
- Còn đây là cô giáo Lộc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Vân, Thanh Ba, Phú Thọ, cô cũng là người Hà Nội, cô tìm về gia đình ở dốc Hàng Than, Hà Nội.
Anh bộ đội nghe chuyện bà Hưng kể, chợt thấy lòng mình xôn xao, như thức dậy trong anh niềm thương nhớ về người mẹ già của mình cũng đang tản cư ở vùng quê Phú Thọ này, không biết đã tìm đường hồi cư về Hà Đông quê anh được chưa. Anh nói với bà Hưng và các chiến sỹ của mình:
- Hôm nay, là ngày mùng 9 tháng 10, chỉ có xe ô tô đưa bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, không có xe ô tô khách chạy như mọi ngày. Vì thế, bộ đội chúng tôi mời chị và gia đình lên chiếc xe ô tô chạy cuối đoàn, cùng đơn vị ta tiến về giải phóng Thủ đô.
Các anh bộ đội vui vẻ, ồ cả lên và nhanh chóng sắp xếp cho bà Hưng, bé Phúc Tâm ngồi trên buồng lái, còn ông bếp Nghĩa và cô giáo Lộc ngồi trên thùng xe cùng các anh bộ đội tiến về giải phóng Thủ đô. Đoàn xe đi đến đâu cũng được nhân dân vẫy cờ hoa rợp trời mừng đón đoàn quân Giải phóng tiến về Hà Nội. Bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sỹ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng; Lớp lớp đoàn quân tiến về; Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng; Cờ ngày nào tung bay trên phố; …Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về; Như đài hoa đón mừng nở năm cánh cánh đào; Chảy dòng sương sớm long lanh; …”, được các anh bộ đội Cụ Hồ hát vang lừng theo đoàn quân. Bà Hưng nhìn sang hai bên đường, ngắm rừng người hớn hở đón đoàn quân chiến thắng trở về, bà thấy lòng mình sung sướng, tự hào quá, bà không thể ngờ có được những giây phút vinh quang này. Mắt bà nhoà nước mắt, bà khóc trong niềm hạnh phúc quá lớn. Anh bộ đội lái xe phải động viên bà:
- Chị ơi! Đừng khóc nữa. Hôm nay ta chiến thắng rồi, ta đang về đây, ta đang tiến về Thủ đô của ta mà.
Bà Hưng đang xúc động, cũng phải cười vui với anh bộ đội lái xe, bà nói:
- Vâng! Ngày vui toàn thắng của người Hà Nội, tôi cười vui rồi đây.
Anh bộ độ lái xe cũng cười rất tươi.
Đoàn xe chạy nhanh qua Phùng, Trạm Trôi, Nhổn, Cầu Giấy, đường Kim Mã, vào Nguyễn Thái Học, rẽ ra ga Hà Nội. Bộ đội trên những xe đi đầu xuống xe vào tiếp quản nhà ga Hà Nội. Các xe chạy sau theo đường Trần Hưng Đạo, phố Huế, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, dừng lại ở khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ để bộ đội vào tiếp quản Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) và toả ra các vị trí quan trọng quanh Hồ Hoàn Kiếm. Bà Hưng đeo lại cái địu bé Phúc Tâm, xuống xe ngắm lại Bắc Bộ Phủ, nơi mà vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 bà đã cùng chồng và hàng vạn người dân trong khí thế sục sôi cách mạng, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh đã biểu tình thị uy, công kênh nhau trèo vào bên trong, chiếm Bắc Bộ Phủ, góp phần đưa đến thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân. Bà nén xúc động đang dâng trào, rồi quay lại nói lời chào chia tay với các anh bộ đội:
- Tôi xin cám ơn anh bộ đội lái xe và tất cả các anh bộ đội, mong các anh khoẻ mạnh, tiếp quản Thủ đô thật tốt đẹp. Không gặp được anh chỉ huy, tôi xin nhờ các anh chuyển lời rất cám ơn đến anh chỉ huy. Chúng tôi xin phép được đi tiếp đoạn đường về gia đình.
Các anh bộ đội vui vẻ chào tạm biệt:
- Chúc chị và gia đình vui vẻ đoàn tụ, mạnh khoẻ và gặp nhiều may mắn.
Chia tay các anh bộ, bà Hưng cùng ông bếp Nghĩa và cô giáo Lộc quay ra bờ hồ, vòng qua Đền Ngọc Sơn, rẽ vào Hàng Đào, Hàng Ngang, đến đầu phố Lãn Ông thì chia tay cô giáo Lộc và hẹn mai mốt, cùng tìm gặp nhau. Cô giáo Lộc đi tiếp quãng đường qua Hàng Đường, chợ Đồng Xuân rồi về nhà cô ở đầu dốc Hàng Than. Bà Hưng tháo địu ra, dắt bé Phúc Tâm, cùng ông bếp Nghĩa đi về 54 Lãn Ông. Đó là ngôi nhà ba tầng, mặt tiền rộng khoảng 5 mét, phía bên trái là cửa ngách một cánh vào nhà, rộng khoảng một mét. Tiếp đến là cửa chính gồm hai cánh, rộng khoảng một mét sáu. Bên phải là cửa sổ rộng suốt phần măt nhà còn lại, có rãnh dọc ở khung trên và rãnh dọc ở khung dưới để lắp các tấm ván cửa, khi đóng cửa hàng hằng ngày. Phía trong cửa sổ là quầy tủ kính, bày bán các loại thuốc hoàn tán và các loai ô mai cam thảo. Giáp tường bên trái và phía sau gian hàng là tủ thuốc cao tới trần nhà, có các ngăn kéo đựng thuốc và ghi tên từng vị thuốc đã bào chế. Chạy suốt phía trên, trước cửa nhà treo tấm biển hiệu “Nhà thuốc gia truyền Hạnh Xuân Đường”. Chị Trần Hồng, con gái lớn, nhưng là con thứ ba của ông bà Hai đang ngồi trên chiếc ghế cao không có lưng tựa, sau quầy kính để trông và bán hàng. Bà Hưng dắt Phúc Tâm đi thẳng vào cửa chính, vờ như khách vào cắt thuốc. Chị Trần Hồng ngẩng lên, nhận ngay ra bà Hưng, bé gái và phía sau là ông bếp Nghĩa thì kêu toáng lên:
- Cụ ơi! Bố, mẹ ơi! Cô Hưng về rồi, cô về rồ …ồ ... ồi. Chị Trần Hồng chạy ra ôm chặt lấy bà Hưng và em bé gái, nước mắt vui mừng tự trào ra.
Ông bà Hai từ tầng trên chạy ào xuống, còn cụ Hạnh nằm nghỉ ở phòng trong, cũng lên tiếng yếu ớt:
- Cô Hưng, cô Hưng về thật rồi à?
Bà Hưng vội vàng đáp lời mẹ:
- Vâng, mẹ ơi! con đây, con đã về đây rồi.
Bà Hưng buông vòng tay đang ôm chị Trần Hồng rồi kéo tuột bé Phúc Tâm chạy qua phòng khách, vào phòng cụ Hạnh đang nằm.
Cụ Hạnh đã tám mươi tuổi rồi, cụ đang ốm do tuổi cao. Cụ nằm trên chiếc giường gỗ tự nhiên chắc chắn, có màu nâu trầm ấm. Đầu giường nhô cao, được trạm trổ những hoa văn, tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Trên giường giải (trải) bộ ga, đệm màu xanh lam, mang phong cách sang trọng. Giường được kê chính giữa phòng ngủ, đầu giường hướng về phía đông, sát với tường bên trái toà nhà. Ba phía xung quanh giường đều đi lại được, để tiện cho việc trông nom, nâng giấc cụ. Cụ nằm thẳng, đầu được kê cao trên hai chiếc gối cùng màu với màu ga đệm. Mái tóc cụ đã bạc phơ, mà khuôn mặt vẫn hồng hào, đầy đặn và phúc hậu. Cặp mắt cụ vẫn tinh nhanh, đang liếc tìm con, cháu mới về. Bà Hưng đặt Phúc Tâm lên giường rồi sà vào giường cụ Hạnh, ôm lấy mẹ đang nằm:
- Mẹ ơi! Con gái của mẹ và cháu Phúc Tâm về đây rồi mẹ này.
Cụ Hạnh cười vui mà mắt trào lệ, cụ dơ hai tay đón lấy bà Hưng đang ngả người xuống bên cạnh cụ và cháu Phúc Tâm đang bò đến bên cụ:
- Ừ! Mẹ mừng lắm, con gái út ít, gian nan của mẹ, cháu gái yêu quý, bé bỏng của bà. Được gặp con, được gặp cháu rồi. Mẹ toại nguyện lắm rồi.
Lúc này, ông bà Hai và cả bốn người con của ông bà là các anh Trần Phàn, Trần Hinh, chị Trần Hồng, chị Trần Diệp và ông bếp Nghĩa cũng đã vào đứng vây xung quanh giường cụ Hạnh, mừng vui mà mắt ai cũng ngấn lệ. Cụ Hạnh một tay xoa đầu cháu Phúc Tâm, một tay xoa xoa má bà Hưng, giọng nghẹn lại:
- Con tôi đây rồi, cháu tôi đây rồi, tôi toại nguyện quá. Cụ rất vui, mà hai mắt đầy nước mắt.
Ông Hai bước tới gần bà Hưng vỗ nhẹ lên vai bà:
- Cô và cháu về khoẻ mạnh thế này là cụ và cả nhà mừng lắm rồi. Cô và cháu ra đây cho cụ nghỉ, cũng là để cả nhà nhìn ngắm cô và cháu một chút nào.
Bà Hưng chợt tỉnh ra, nghe lời anh trai, không giám làm cụ Hạnh quá xúc động. Bà xoay người đứng dậy nhìn anh chị và các cháu rồi dang tay ôm tất cả mọi người, nước mắt ràn rụa. Bé Phúc Tâm chưa hiểu gì nhiều, thấy mẹ khóc cũng khóc. Chị Hồng phải ôm bé ra ngoài dỗ dành và cho ăn ô mai cam thảo, bé mới yên yên cho bà Hưng tiếp tục hàn huyên với cả nhà. Bà Hai kéo cô con gái út Trần Diệp ra ngoài rồi nói:
- Con chạy sang mời các bà Vạn Thọ, Hồng Hưng, Vĩnh Phát và anh Trần Chất đến nhà mình chúc mừng bà Hưng và em Phúc Tâm từ vùng kháng chiến đã trở về.
Trần Diệp nhanh nhẹn bước ra cửa và nói vọng vào:
- Vâng! con đi đây.
Trần Diệp sang 79 phố Hàng Bồ báo tin cho anh Trần Chất. Anh bằng tuổi với bà Hưng, là cháu đích tôn của cụ Hạnh, là con trai độc nhất của vợ chồng ông bà Cả. Chẳng may, cả hai ông bà đều đã mất từ khi anh mới chập chững biết đi. Anh được cụ Hạnh nuôi nấng, lớn lên cùng bà Hưng. Hai cô cháu cùng chung cảnh mồ côi, thiếu thốn tình cảm nên rất thân và thương nhau. Cụ Hạnh gây dựng gia đình cho anh Trần Chất trước bà Hưng mấy năm. Lúc này anh chị đã có đến tám người con, bốn trai và bốn gái. Có tên lần lượt là: Trần Kế Viễn, Trần Mỹ Dung, Trần Mỹ Hà, Trần Mỹ Lệ, Trần Kế Đạt, Trần Kế Hoa, Trần Mỹ Linh và Trần Kế Duẩn. Trần Diệp vừa báo tin bà Hưng và bé Phúc Tâm từ vùng kháng chiến trở về, cả nhà anh Trần Chất đã reo to:
- Ôi! Cô Hưng về rồi, tuyệt quá.
Anh chị Trần Chất vui mừng cùng Trần Diệp đi sang báo tin cho bà Vạn Thọ ở 34 Lãn Ông, bà Hồng Hưng ở 36 Lãn Ông và bà Vĩnh Phát ở 41 Lãn Ông. Ba bà đều là em gái của ông Hai và là chị bà Hưng. Trần Diệp vừa báo tin bà Hưng đã về Hà Nội, các bà đều vô cùng mừng rỡ và đi ngay sang gặp cô em gái út từ vùng kháng chiến trở về.
Trần Diệp cùng ba bà cô và vợ chồng anh Trần Chất về đến 54 Lãn ông thì cả nhà đã ra phòng khách ngồi trò chuyện. Bà Hưng chạy ra ôm chặt lấy ba chị gái và vợ chồng cháu Trần Chất, bà nói trong nước mắt:
- Được gặp các chị và các cháu đây rồi.
Mọi người mừng vui trong nước mắt xum vầy. Có biết bao câu hỏi bà Hưng phải trả lời, có biết bao câu chuyện bà Hưng phải kể. Từ chuyện rời Hà Nội trong đêm 19 tháng 12 năm 1946, bồng bế các con đi bộ ra vùng kháng chiến. Chuyện tập gánh, mỗi bên quang gánh bốn viên gạch chỉ. Chuyện tản cư vào ở trong rừng sâu, phải đào giếng lấy nước dùng. Chuyện bà sinh bé Phúc Tâm. Chuyện bà nghỉ công tác, mở hiệu thuốc, chữa bệnh cho người dân vùng kháng chiến. Chuyện bà và ông bếp Nghĩa đi nhờ xe ngựa ra bến đò dọc Vũ Yển. Chuyện bà và ông bếp Nghĩa đi cùng đoàn xe ô tô chở bộ đội vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Chuyện mãi, không dứt ra được. Ông Hai lại phải lên tiếng:
- Chuyện còn nhiều lắm, nhưng cô Hưng vừa đi xa về, hãy để cô nghỉ ngơi, tắm rửa. Ông bếp Nghĩa chuẩn bị “bữa cơm chiều ngon ngon”, để cả nhà mình mừng cô Hưng và cháu Phúc Tâm đã cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Ảnh bà Hưng và ông Bái trước ngày rời Hà Nội ra kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông bếp Nghĩa đã thành thạo với các bữa tiệc to, nhỏ ở nhà cụ Hạnh và ông bà Hai từ hàng chục năm nay rồi, nên chỉ một loáng thôi ông đã làm xong “bữa cơm chiều ngon ngon” như lời yêu cầu của ông Hai. Ông bếp Nghĩa mời cả nhà vào phòng ăn, kê một bàn tròn to, rộng, đủ chỗ cho 10 người ngồi xung quanh. Trên bàn đã bày các món ăn như thịt quay, giò lụa, chả quế, nem rán, su hào xào trứng, miến nấu tôm tươi. Cả nhà ngồi quây quần, anh Trần Phàn mở chai sâm banh, rót mỗi người một ly rồi cùng nâng cốc chúc mừng bà Hưng sau tám năm rời Hà Nội ra kháng chiến, mới trở về gặp lại. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Chị Trần Diệp lấy cho en Phúc Tâm một bát miến tôm tươi, rồi xúc cho em ăn. Chị Trần Hồng làm riêng món yến chưng đường phèn, hạt sen, táo tàu đỏ, đưa sang mời cụ Hạnh uống bổ dưỡng. Gần cuối bữa cơm xum họp, bà Hưng nhẹ nhàng hỏi chuyện các anh, chị:
- Không biết ngôi nhà của chúng em ở số 2 ngõ Quỳnh giờ thế nào rồi, các anh chị nhỉ?
Bà Vạn Thọ liếc nhìn ông bà Hai và các bà em gái rồi lên tiếng trả lời:
- Cô chú và các cháu rời Hà Nội ra kháng chiến các anh chị không hay biết gì cả. Trong 60 ngày đêm chiến đấu giằng co giữa những người lính “cảm tử quân” của Hà Nội với quân Pháp diễn ra rất ác liệt, nhất là khu vực Bắc Bộ phủ, Bưu điện Bờ Hồ, các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Đường, Hàng Bạc, Mã Mây. Từ ngày 11 tháng 2 năm 1947, quân Pháp liên tiếp đánh phá vào chợ Đồng Xuân và các phố Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Bút, Hàng Mã. Các gia đình ở Liên khu 1 này, phải ở yên trong nhà, không giám ra đường, sang thăm nhà nhau. Việc mua sắm lương thực, thực phẩm đều phải đặt mua qua các bà, các chị bán hàng rong, họ đem đến tận nhà. Mãi sau ngày 17 tháng 2 năm 1947, Trung đoàn Thủ đô rút quân ra khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng, thì Hà Nội mới dần trở lại bình thường. Lúc đó, vẫn chưa có tin tức của cô chú và các cháu, các anh, chị sốt ruột quá, tìm xuống số 2 ngõ Quỳnh, thì thấy nhà cửa tan hoang cả, không còn thứ gì đáng giá. Hàng xóm kể lại rằng cô chú và các cháu đã rời Hà Nội, vượt vòng vây ra kháng chiến ngay trong đêm 19 tháng 12 năm 1946. Đồ đạc, bàn ghế, giường, tủ, các cánh cửa nhà đều được tự vệ phá, dỡ đem ra làm chiến lũy đường phố, làm chướng ngại vật. Các chị ngậm ngùi quá, không biết làm gì để tu sửa, trông nom nhà cửa cho vợ chồng cô chú được, đành cứ để yên thế. Cho đến ngày ông bếp Nghĩa từ Hoàng Xá trở về, cho biết cô chú và các cháu đã ra vùng kháng chiến an toàn. Các anh chị mới yên tâm, nhưng cũng không biết cô chú và các cháu khi nào mới trở về. Đúng lúc đó, có người hỏi mua ngôi nhà vẫn đang bỏ không của cô chú, nên các anh chị đã bán cho họ, cũng chẳng được bao nhiêu. Bây giờ, cô chú và các cháu trở về Hà Nội thì có thể đến ở tại nhà bà Hiển ở 43 Ngô Quyền. Gia đình bà Hiển đã di cư vào Sài Gòn, ngôi nhà ấy bà Hiển gửi lại các chị, nhờ cho người ở nhờ và trông coi giúp.
Nghe xong những lời bà Vạn Thọ nói, bà Hưng thoáng buồn, nhưng vẫn điềm tĩnh nói:
- Vợ chồng em đã xác định, rời Hà Nội ra đi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài, là bỏ hết của cải, gia sản ở Hà Nội, chấp nhận “ra đi không mang va ly, quần áo cứ thế cắp nách”. Nay kháng chiến đã thành công, hoà cùng những người chiến thắng trở về, em cũng hy vọng còn giữ được căn nhà chúng em vất vả xây dựng, mang nhiều kỷ niệm. Tuy vậy, chị Vạn Thọ nói đã bán đi rồi thì thôi, em cũng không cần quay lại ngôi nhà đó nữa. Còn việc chúng em và các cháu có về sống ở Hà Nội nữa hay không, thì để em bàn bạc với nhà em đã, nhà em vẫn đang đi làm công tác trao trả tu binh chưa về. Nhưng, dù có về sống ở Hà Nội, thì chúng em cũng không ở nhờ nhà bà Hiển ở 43 Ngô Quyền đâu. Chúng em không muốn dây dưa với người bỏ Hà Nội di cư vào Nam dù với bất cứ lý do gì.
Bà Hưng dừng lại một chút, rồi nói tiếp:
- Em về gặp được mẹ còn sống, gặp được các anh chị và các cháu khỏe mạnh, bình an, là em mừng lắm rồi. Em chẳng mong gì hơn thế, các anh chị cứ yên tâm, vui vẻ đón “Hà Nội được giải phóng rồi”.
Đêm đầu tiên về Hà Nội thăm mẹ, thăm anh chị em và các cháu, bà Hưng và bé Phúc Tâm ngủ ở giường cụ Hạnh. Cụ Hạnh nằm một nửa giường, bà Hưng và bé Phúc Tâm nằm một nửa giường còn lại. Ba thế hệ “mẹ con, mẹ con” ôm nhau như chẳng muốn buông rời. Bé Phúc Tâm thì ngủ ngay, còn bà Hưng và cụ Hạnh thì cứ rì rầm thâu đêm, chợt thức, chợt ngủ.
Sáng hôm sau, chị Trần Hồng dậy sớm mở cửa hàng và mua xôi xéo ăn sáng cho cả nhà. Ông bếp Nghĩa mang ra một âu gà hầm thuốc bắc mời cụ Hạnh. Bà Hưng đỡ cụ ngồi tựa lưng vào thành giường, rồi xúc từng thìa thức ăn đã xé nhỏ mời cụ ăn. Cụ không bị bệnh gì nguy hiểm, chỉ vì tuổi cao, sức yếu dần. Là nhà thuốc gia truyền, nên luôn có sẵn các loại thuốc bổ Đông dược để cụ dùng và kết hợp với các loại thức ăn bổ dưỡng khác.
Sau bữa sáng, cụ Hạnh lim dim ngủ. Bà Hưng cùng chị Trần Diệp và bé Phúc Tâm đi bộ ra Hàng Đào, hoà vào dòng người vẫy cờ, hoa đón chào đoàn xe cơ giới cùng chỉ huy “tiếp quản Hà Nội” do Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu. Đoàn đi qua Bờ Hồ, vào đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, vườn hoa Hàng Đậu, vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc. Được chứng kiến khoảnh khắc ấy, bà Hưng thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc và rất đỗi tự hào vì có những năm tháng tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến. Bao gian khổ, mất mát như tan biến, không còn trăn trở, tiếc nuối điều gì. Bé Phúc Tâm thì vui thích quá, hò reo, vẫy cờ hoa liên tục. Đoàn quân đã đi qua, bé vẫn đứng tần ngần, lưu luyến. Bà Hưng phải bế bé lên, nhắc khéo bé phải cùng chị Trần Diệp về nhà, kẻo cụ Hạnh, ông bà Hai và các anh chị lại mong.
Chiều ngày 10 tháng 10 năm 1954, hàng vạn quân và dân Thủ đô Hà Nội đổ về dự lễ thượng cờ do Uỷ ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội. Bà Hưng cùng Trần Diệp và bé Phúc Tâm cũng đến được vườn hoa Chi Lăng (công viên Lê-Nin ngày nay) để nhìn ngắm lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau tám năm lại được kéo lên trên Cột cờ Hà Nội và qua loa truyền thanh, mọi người lắng nghe Chủ tịch Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Thật may mắn trong lần trở về Hà Nội này, bà Hưng vô cùng xúc động, được chứng kiến những giây phút hào hùng của Thủ đô Hà Nội được giải phóng.