1. Nong rộng mũi giày
Mũi giày hẹp làm các ngón chân của bạn bị chèn ép, đau nhức? Hãy nong rộng phần này của chiếc giày bằng một mẹo cực dễ làm. Đổ nước đầy một nửa bì ni lông có khóa kéo kín miệng. Đóng kín miệng bì. Đảm bảo không có không khí lọt vào trong bì. Nhét bì nước vào phần mũi giày rồi cho giày vào ngăn đá tủ lạnh, để qua đêm. Sáng hôm sau, lấy ra và gỡ bỏ phần đá đông. Lặp lại vài lần như vậy cho đến khi mũi giày rộng đúng ý bạn. Lưu ý, không để nước đá tan ra dính vào giày vì có thể làm hỏng giày.
2. Khử mùi hôi giày
Để khử mùi hôi bám trong giày, bạn có thể đổ bột nở (baking soda) hoặc trà (chè) khô vào một chiếc túi vải nhỏ rồi đặt vào trong giày. Bột hoặc trà vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa có khả năng thấm hút mùi.
3. Chống phồng rộp chân do cọ xát vào giày
Giày mới thường gây ra những vết phồng rộp ở chân do ma sát giữa da chân với da giày còn thô ráp. Hãy dùng lăn khử mùi không màu dạng gel lăn lên vùng da giày này để giảm bớt mức độ thô nhám; từ đó, hạn chế được tình trạng phồng rộp da chân.
4. Hô biến gót giày trầy xước
Gót giày trầy xước làm đôi giày của bạn giảm giá trị. Hãy làm mới bằng keo, nhũ lấp lánh và một chút khéo tay. Trộn keo với nhũ thành một hỗn hợp đặc sệt. Dùng chổi sơn phết hỗn hợp này lên gót giày. Chờ cho lớp sơn này khô rồi phết tiếp một lớp khác. Giờ thì bạn đã có một đôi giày đẹp long lanh đúng nghĩa rồi.
5. Chống thấm nước cho giày vải canvas
Giày vải canvas có ưu điểm là nhẹ, thoáng nhưng vì làm từ sợi vải tự nhiên nên dễ thấm nước. Bạn có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách dùng sáp ong chà lên khắp mặt ngoài của vải canvas rồi dùng máy sấy tóc sấy cho sáp ong tan chảy, thấm vào các lỗ trong vải. Để yên 5 phút trước khi lấy giày ra sử dụng. Bây giờ, bạn có thể yên tâm đi giày vải canvas không thấm nước này mà không sợ trời mưa làm ẩm ướt, dẫn đến hôi giày.
6. Chấm dứt tiếng cót két phát ra từ đế giày
Âm thanh cót két phát ra từ đế giày nghe thật khó chịu. Bạn có thể dập tắt nó bằng vũ khí đơn giản: phấn rôm trẻ em. Đối với giày thể thao, bạn chỉ cần rắc thật nhiều phấn rôm vào bên trong đế giày rồi để giày qua đêm trước khi lấy ra sử dụng. Với giày bít da, bạn hãy lật miếng đế lót ở bên trong giày lên và rắc phấn rôm ở bên dưới miếng đế này. Lưu ý, trước khi rắc phấn rôm, cần kiểm tra chắc chắn rằng giày đã khô ráo hoàn toàn.
7. Chống trơn trượt với đế vải lót tự chế
Đế lót bên trong giày cao gót của chị em phụ nữ thường trơn trượt, gây cảm giác không thoải mái khi mang giày. Hãy tạm biệt vấn đề này bằng cách tự chế ra một miếng đế lót bằng vải có độ ma sát tốt hơn. Chọn loại vải bền chắc, không quá mềm, quá mỏng hay quá dày. Tốt nhất là chọn vải có độ dày cỡ vải áo sơ mi cotton, hơi nhám. Đặt chân lên miếng vải để đo, vẽ và cắt. Sau đó, xịt một ít keo lên vải và dán vào đế trong giày.