Đến cuối thế kỷ thứ 10, vua Chiêm là Hari Varman II (988- 998) dời đô vào Đồ Bàn Phật Thệ ở miền Vijaya. Thành này, nay thuộc địa phận hai thôn Nam Tân (trước là Nam An) và Bắc Thuận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đất Đồ Bàn giữ vai trò kinh đô Chiêm quốc ngót 5 thế kỷ, lừng lẫy một thời. Năm 1284, tướng nhà Nguyên là Toa Đô đem 10 vạn thủy quân và 1000 chiến thuyền rời Quảng Châu đổ bộ lên cửa Thị Nại, tiến chiếm kinh đô Đồ Bàn nhưng bị quân Chiêm đánh đuổi, tổn thất nặng nề, Toa Đô phải rút lui bằng đường bộ. Dưới thời Chế Bồng Nga, nước Chiêm Thành hùng mạnh nhất, bành trướng lãnh thổ đến Tân Bình và Thuận Hóa. Năm 1371, đời Trần Nghệ Tông, quân Chiêm tiến vào Thăng Long đốt phá cung điện, cướp người và của cải. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông ngự giá thân chinh, đại binh đổ bộ vào Thị Nại, nhưng đến kinh đô Đồ Bàn thì bị phục quân, nhà vua tử nạn, quan quân tan vỡ. Hết đời Chế Bồng Nga, khí vận nước Chiêm Thành suy yếu dần. Năm 1402, Hồ Hán Thương đem đại binh đánh Chiêm Thành, vua Chiêm phải cắt nhượng đất Chiêm Động (Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi); Đồ Bàn trở nên một trung tâm văn hóa trọng yếu duy nhất còn lại của nước Chiêm.
Rồi kinh đô Đồ Bàn cũng chỉ tồn tại thêm 68 năm nữa thì đổi chủ. Đó là năm 1470, Hồng Đức nguyên niên đời Lê Thánh Tông, vua Chiêm là Trà Toàn đem 10 vạn quân đánh chiếm Hóa Châu. Tháng 11 năm ấy, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân chinh, tiến binh cả hai mặt thủy bộ, chiếm thành Đồ Bàn (1471), bắt vua Chiêm và hoàng gia. Tuy quân ta tiến binh đến núi Thạch Bi (đèo Cả), khắc bia phân ranh giới, nhưng chỉ lấy lại đất Quảng Nam, Quảng Ngãi; chiếm thêm đất Bình Định (tức miền Bắc Vijaya có kinh đô Đồ Bàn) và trấn giữ đèo Cù Mông. Còn đất Phú Yên (miền Nam Vijaya) lập vùng trái độn, bỏ ngõ cho dân Chiêm Thành.
Từ đó, đất Đồ Bàn được chia làm 3 huyện: Bồng Sơn (gồm Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão ngày nay), Phù Ly (gồm Phù Mỹ, Phù Cát) và Tuy Viễn (An Nhơn, Tuy Phước, Qui Nhơn, Bình Khê, Vĩnh Thạnh, Vân Canh). Vùng này, đặt thành phủ Hoài Nhơn (tức tỉnh Bình Định ngày nay), cùng với hai phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Thăng Hoa (Quảng Nam), nhập thành Thừa tuyên Quảng Nam. Trong ba phủ ấy, Hoài Nhơn màu mỡ hơn cả, với những đồng bằng phì nhiêu, lại có đầm Thị Nại dài rộng, mở ra 2 cửa biển tốt là Cách Thử và Phương Mai, nhiều muối lắm cá.
Nhà vua xuống chiếu di dân. Một cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử Đại Vịêt, cũng là cuộc di cư cuối cùng lấy dân từ các tỉnh ở Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ. Theo Phan Khoang, Xứ Đàng Trong[7], đất Bình Định đã lôi cuốn dân Nghệ An đến định cư; nhưng theo Nước Tôi Dân Tôi [8], phần lớn người ở Hà Đông vào Bình Định lập nghiệp trong đợt di dân đến ba phủ của Thừa tuyên Quảng Nam. Dù có nhiều người Nghệ An hay Hà Đông, thì những di dân vào Bình Định không hẳn thuần một tỉnh nào. Miền đất mới đã lôi cuốn những dân nghèo khắp nơi, từ Thuận Hóa ra Bắc, họ muốn đến một nơi định cư có nhiều hứa hẹn nhất.
Ngoài những đợt di dân tình nguyện chiếm đa số, được triều đình khuyến khích và nâng đỡ, luật Hồng Đức (Quốc Triều Hình Luật) còn qui định những tội hình như: đặt ra lời phao tin đồn nhảm làm náo động dân chúng (điều 2), mưu giết sứ giả của vua hay quan tại chức đã làm bị thương (điều 8), trộm lần đầu (điều 19)...; tội đấu tụng như: đâm chém gây thương tật đứt gân, mù mắt, đọa thai (điều 2), nô tỳ đánh chủ bị thương què (điều 22), biết kẻ mưu đại nghịch phản loạn mà không tố cáo (điều 36)... đều khép tội lưu viễn châu, đày vào phủ Hoài Nhơn (nay là tỉnh Bình Định) sinh sống.
Lại nữa, cư dân của phủ Hoài Nhơn còn có người Chiêm Thành ở lại khá nhiều. Theo Phan Khoang [9], các lần trước bị mất đất, người Chiêm Thành đã bỏ quê hương đi theo vua của họ. Lần này, khi ta chiếm Đồ Bàn, đa số người Chiêm vẫn ở lại. Phần thì họ luyến tiếc kinh đô đẹp đẽ nhất, phần thì đất đai còn lại ở các tỉnh phía nam không màu mỡ bằng miền Vijaya. Vua Lê Thánh Tông phải đề phòng sự nổi loạn của người bản xứ. Theo Phan Huy Chú,Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, nhà vua đã ban quyền tiền trảm hậu tấu "nếu người Chiêm ai dám không theo, cho phép giết ngay rồi sẽ tâu" [10], cho các quan trấn giữ miền đất mới, đối phó kịp thời những mầm móng phản nghịch và trái lệnh của triều đình. Cho nên, người Chiêm ở lại phủ Hoài Nhơn bị đồng hóa ngay bỡi làn sóng người Việt đến định cư. Họ phải nói tiếng Việt với lơ lớ giọng Chàm. Hơn nữa, phủ Hoài Nhơn nằm sát biên giới đất Phú Yên là vùng trái độn. Tuy đã thuộc cương vực của Đại Vịêt nhưng chưa đặt quan chức và tổ chức hành chánh, vẫn để cho họ tự do phát triển suốt 107 năm (1471- 1578). Dĩ nhiên, người dân Hoài Nhơn còn có sự tiếp xúc thường xuyên với người Chiêm ở bên kia đèo Cù Mông trong việc giao lưu buôn bán. Ngày nay, vẫn còn những địa danh ở Bình Định mang dấu chỉ Chàm như: Cù Mông, Càn Rang, Quán Rường...
Vì thế, cư dân sống ở phủ Hoài Nhơn không thuần nhất miền nào mà pha trộn giọng Bắc, giọng Trung của dân các tỉnh ở xứ Đàng Ngoài và giọng Chàm, dân bản địa nói tiếng Việt. Những yếu tố trên kết hợp vào nhau, rồi trải qua quá trình biến chuyển dần bởi phong thổ của miền đất mà hình thành giọng nói riêng của dân Bình Định.
5. ĐẶC ĐIỂM GIỌNG NÓI
Xứ Bình Định là giải đất ven biển, nằm giữa hai miền nước ta (Bắc vĩ tuyến 14) nên có giọng nói dung hòa giữa miền Bắc Nam và dễ dàng nói đúng theo các tỉnh khác.
Lại nữa, Bình Định trước mặt là biển Đông, sau lưng là dãy Trường Sơn hiểm trở, toàn xứ là những thung lũng và chuỗi bình nguyên chen chúc với núi đồi, nên giọng nói pha trộn cái chả chớt của miền biển và giọng cứng cỏi của miền núi.
5.1 Đặc điểm cấu trúc ngôn ngữ :
Tiếng Việt khác hẳn tiếng Chiêm Thành nhiều điểm:
5.1.1 Về nhóm tiếng, theo Nguyễn Ngọc San, Tìm Hiểu Về Tiếng Việt Lịch Sử [11] và các tài liệu ngữ học khác [12], nguyên thủy tiếng Việt và tiếng Chiêm Thành đều thuộc ngữ hệ Nam Á cổ [13]. Nhưng rồi qua quá trình di dân và sự tiếp xúc với nhóm ngôn ngữ khác [14], kết hợp điều kiện địa lý, tiếng Việt và tiếng Chiêm đã tách xa nhau với nhiều dị biệt.
Khoảng 2500 năm trước, người Mã Lai và Nam Đảo di cư vào bờ bể miền Nam Trung Việt, lập thành Vương quốc Chàm. Họ mang theo ngôn ngữ vùng cực nam Đông Nam Á, tức ngữ hệ Nam Á cổ tiếp xúc với nhóm tiếng Châu Đại Dương.
Trong lúc tiếng Việt thuộc nhóm Mon- Khmer, cũng có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á cổ. Nhưng cách đây khoảng 4000 năm, những bộ tộc này từ vùng Thượng Lào và miền cực Tây Bắc Trung Việt đi dần ra vịnh Bắc Việt, tiếp xúc với dòng ngôn ngữ Tày Cổ. Rồi quá trình tiến hóa ngôn ngữ, từ giai đoạn tiền Việt Mường (thời đại Hùng Vương), vẫn mang cơ tầng Mon- Khmer, nhưng đã có sự mô phỏng cơ chế Tày Thái. Đến giai đoạn Việt Mường có tiếng nói chung, một khi đã đi vào quá trình đơn tiết và thanh điệu hóa. Sau cùng, đại bộ phận dân cư ở vùng đồng bằng Bắc Việt tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán trong thời kỳ Bắc thuộc, đã tách khỏi tiếng Mường thành tiếng Kinh, tức tiếng Việt ngày nay. Như vậy, tiếng Chàm thuộc nhóm Nam Dương, trong lúc tiếng Việt hình thành trong điều kiện riêng cho người Việt.
5.1.2 Về âm tiết, tiếng Chàm vẫn giữ dạng đa tiết, trong lúc tiếng Việt có xu hướng đơn tiết hóa ngay từ giai đoạn tiền Việt Mường. Vì vậy, tiếng Việt độc âm, mỗi tiếng một âm, trái lại tiếng Chàm đa âm.
5.1.3 Về thanh điệu, tiếng Việt cũng đã mở đầu việc thanh điệu hóa từ lúc còn chung tiếng nói Việt Mường. Cho nên tiếng Việt hình thành đủ sáu thanh điệu: ngang, sắc, hỏi (thuộc âm bổng) và huyền, nặng, ngã (thuộc âm trầm). Vì vậy, thanh điệu của tiếng ta có lên xuống cao thấp, trong lúc giọng đọc của Chiêm Thành không có trầm bổng.
Xét cho cùng, tuy cùng ngồn gốc ngữ hệ Nam Á cổ, nhưng quá trình phát triển đã khác xa, chỉ còn có một điểm duy nhất giống nhau là câu văn của ta và Chiêm Thành đều đặt xuôi. Tuy có nhiều yếu tố dị biệt, nhưng nếu xét riêng về giọng nói thì trường hợp đặc biệt của Bình Định, như đã trình bày ở phần trên (Nguồn gốc giọng nói), có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi giọng nói Chiêm Thành không?
Thưa có. Tiếng nói của người Chàm không có trầm bổng thì giọng Bình Định cũng ít chú ý đến sắc âm, nên mặc dù vẫn trầm bổng nhưng biên độ không rõ rệt lắm. Bởi thế, giọng Bình Định trở nên buồn tẻ, lại có phần cứng và nặng. Nhược điểm này, có thể sửa đổi dễ dàng, một khi sắc âm được tôn trọng. Nghĩa là, tiếng nói thấp ra thấp, cao ra cao một cách rõ ràng, khoan thai; đồng thời tránh phát âm sai và biến giọng. Được vậy, giọng Bình Định vừa giữ được nét đặc trưng, vừa trở nên trong sáng chuẩn xác.
5.2 Đặc điểm về ngữ học :
5.2.1 Về ưu điểm: Người Bình Định chỉ phát âm sai, nhưng viết vẫn đúng chính tả. Và chỉ phát âm sai khi nói chuyện bình thường với người quen thân cùng xứ (vì lười phát âm). Khi có dịp giao tiếp, phát biểu, thuyết trình trước đám đông và đọc sách lại phát âm đúng. Người Bình Định cũng không dùng thổ ngữ khi viết văn, ngoại trừ trường hợp cố ý.
Giọng nói lại phân biệt rõ ràng giữa hai phụ âm khởi đầu L với N (làm nhà, nhân loại), S với X (sâu xa, xác suất) nên cũng dễ phát âm đúng với tiếng Anh (short, X- ray) và Pháp (soc, xylène)
5.2.2 Về khuyết điểm: Giọng Bình Định phát âm không phân biệt trong một số trường hợp, nên khi viết thường phạm lỗi chính tả ở những chữ cùng thanh vận nhưng có phụ âm khởi đầu bằng D và GI (dữ // giữ); hoặc chữ giống nhau ở phần tiếp đầu ngữ nhưng có các phụ âm cuối C và T (mặc // mặt), N và NG (than // thang), N và NH (lên // lênh); hay lẫn lộn giữa vần IU với IÊU (thiu // thiêu), UI với UÔI (cúi// cuối). Để tránh khuyết điểm cố hữu này, chỉ còn cách căn cứ vào nghĩa ngữ để phân biệt.
Thí dụ: "mặc áo quần" khác với "mặt bằng",
"than khóc" khác với "thang máy",
6. TẦM ẢNH HƯỞNG
Hoàn cảnh lịch sử nước ta đã chia cuộc Nam tiến làm hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu ở cấp toàn quốc, lấy dân các tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ vào định cư. Giai đoạn sau ở cấp vùng, thuộc xứ Đàng Trong, chỉ lấy dân hai trấn Thuận Hóa, Quảng Nam và đông đảo nhất là dân phủ Hoài Nhơn tràn qua đèo Cù Mông vào lập nghiệp. Tuy nhiên cũng có một lần biệt lệ tháp cư, theo Phan Khoang, Xứ Đàng Trong [15], năm Mậu Tý (1648) đời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, quân Nguyễn bắt được tại Quảng Bình 3 vạn tù binh ở xứ Đàng Ngoài, đem phân tán rải mỏng từ Quảng Nam đến Phú Yên, bắt buộc khai hoang cư trú, cứ 50 người lập thành một ấp.
Vâng, họ là dân tứ xứ đến định cư ở vùng đất mới, dù tình nguyện hay bị bắt buộc cư trú, nhưng cùng một hoàn cảnh tha phương, họ trở nên gắn bó với nhau. Thoạt đầu, họ phát âm với nhiều giọng khác nhau, dần dần được điều chỉnh tự nhiên bởi phong thổ của vùng đất mới, từ đời này sang đời khác, để trở thành giọng chung. Tuy vậy, vài phương ngữ của cố hương (Bắc và Bắc Trung Kỳ) vẫn tồn tại để trở thành thổ ngữ của vùng đất mới, xứ Bình Định.
Trở lại vấn đề Nam tiến, lần lấy dân vào định cư phủ Hoài Nhơn (nay là tỉnh Bình Định) dưới thời Lê Thánh Tông là lần di dân cuối cùng của giai đoạn đầu. Sau đó, đất nước xảy ra nhiều biến cố quan trọng. Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, gây nên cuộc nội chiến giữa Nam Bắc Triều (1533- 1592). Nhà Lê chưa dẹp xong nhà Mạc thì đã manh nha một thời kỳ nội chiến khác giữa hai thế lực Trịnh Nguyễn kể từ năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa.
Các thế lực mãi lo tranh giành địa vị, gây nên nội chiến tương tàn, tài nguyên và nhân lực của đất nước kiệt quệ. Nhất là thời kỳ Nam Bắc Triều, phó mặc cho người dân định cư ở miền Hoài Nhơn, xa xôi hẻo lánh nhất, phải đương đầu bao nỗi khó khăn, thiếu thốn của miền đất lạ. Ở đây, mọi việc phải đơn giản hóa để còn có thì giờ lo chuyện sống còn. Việc cưới gả thì "trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy" cho giản tiện, đã thể hiện qua câu ca dao:
Em về Đập Đá quê cha,
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng.
Ba địa danh trên quanh quẩn không vượt ngoài phạm vi của huyện An Nhơn ngày nay. Thế hệ 1, cha ở Đập Đá ra Gò Găng, không đầy 5 cây số về phía bắc, để cưới vợ. Thế hệ 2, con gái lớn lên gả chồng ở Phú Đa, cách Đập Đá khoảng 5 cây số về hướng đông nam.
Từ khi Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) được Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa (1558) và nhất là từ năm 1570, Nguyễn Hoàng được Trịnh Tùng cho kiêm nhiệm luôn chức Trấn thủ Quảng Nam, chúa Nguyễn đã nghĩ đến vấn đề mở mang bờ cõi ở phương Nam và chú trọng việc tự túc tự cường để nhanh chóng trở thành một nước độc lập với miền Bắc, đủ sức chống lại họ Trịnh sau này.
Theo sử, công việc đầu tiên, Nguyễn Hoàng sai ông Lương Văn Chánh lo việc chiêu mộ lưu dân đến khẩn hoang lập ấp ở vùng trái độn suốt 33 năm (1578 - 1611) đã thành nề nếp. Đến năm 1611, nhân người Chiêm xâm lấn biên cảnh, Nguyễn Hoàng sai quan Chủ sự là Văn Phong (thiếu họ) dẹp yên, lấy đất đến núi Thạch Bi lập ra phủ Phú Yên, lệ vào Thừa tuyên Quảng Nam, chia làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuyên Hòa. Năm 1653, vua nước Chiêm là Bà Thấm đem quân quấy phá Phú Yên, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) sai cai cơ Hoàng Lộc hầu đánh bại. Bà Thấm dâng thư xin hàng, chúa lấy đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang, đặt hai phủ Thái Khang (năm 1690 đổi là Bình Khang) và Diên Ninh (1742 đổi là Diên Khánh), lập dinh Thái Khang giao cho Hùng Lộc trấn thủ. Năm 1692, vua Chiêm là Bà Tranh bỏ lệ tiến cống, Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) sai tổng binh Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật) đem binh đánh bắt được Bà Tranh (1693). Chúa Nguyễn đổi phần nước Chiêm cuối cùng này thành trấn Thuận Thành, năm 1697 đặt làm phủ Bình Thuận gồm hai huyện An Phước và Hòa Đa.
Từ năm 1578 khởi đầu cho chính sách mở mang bờ cõi của chúa Nguyễn, đất Hoài Nhơn là tuyến đầu của cuộc Nam tiến. Những cuộc hôn nhân không chỉ quanh quẩn ở địa phương mà đã nới rộng theo đà tiến quân vào Nam:
Anh về Bình Định thăm cha,
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.
Giai đoạn 2, thế hệ 1 người trai phủ Hoài Nhơn vào Phú Yên mở đất, lấy vợ và lập nghiệp luôn ở đấy. Thế hệ 2, con trai lớn lên lại vào tới vùng cực nam thời bấy giờ (1653) là Diên Khánh mở đất rồi lấy vợ lập nghiệp luôn ở đấy, và cứ như thế đi dần về phương Nam sau mỗi đợt tiến quân. Cho nên người Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...thường có liên hệ huyết thống. Ngày nay, trong gia phả của nhiều dòng họ ở Phú Yên, có ông thủy tổ là người Bình Định vào đây lập nghiệp, chẳng hạn như Gia Phả Mạnh Tộc ở huyện Đồng Xuân [16].
Vì thế, các tỉnh phía nam Bình Định có ảnh hưởng ít nhiều giọng nói Bình Định theo đà Nam tiến, nhưng càng vào Nam giọng càng nhẹ và dịu dần về thanh điệu tức là cách phát âm dấu giọng. Các tỉnh Nam Kỳ cũng thường dùng một số thổ ngữ của Bình Định (xem Phần 1: Thổ ngữ). Riêng Phú Yên, giọng nói giống như Bình Định, nếu phân tích kỹ mới thấy được giọng Phú Yên nhẹ hơn và chả chớt hơn. Ngoài một vài trường hợp phát âm riêng của Phú Yên, như vần "ông" phát âm thành "ong", gọi "chồng" ra "chòng"; ở La Hai phát âm chữ "ngoài" thành "vài"; còn hầu hết thổ ngữ của Bình Định, người Phú Yên vẫn dùng. Tiếng "nẫu" cũng rất phổ biến và quen thuộc ở Phú Yên, cũng thể hiện đầy đủ các chức năng của thổ ngữ đặc biệt này, không những qua lời nói thường ngày mà còn nhan nhản trong ca dao tình tứ:
Chiều chiều mây phủ Đá Bia,
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng.
Mất chồng như nậu mất trâu,
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm.
Hoặc:
Một ngày cũng nghĩa bướm hoa,
Dẫu tình, dẫu nghĩa, dẫu xa cũng tình.
Bẻ bông mà cắm độc bình,
Nẫu xa mặc nẫu, đôi lứa mình đừng xa.
Tóm lại, đất Bình Định nằm giữa và tương đối cách đều hai đầu của nước ta. Giai đoạn Lê Thánh Tông, Bình Định đón nhận dân các tỉnh từ Miền Bắc và Bắc Trung Việt. Rồi trong giai đoạn Chúa Nguyễn, Bình Định là tuyến đầu của cuộc Nam Tiến; vì vậy Bình Định mang vai trò gạch nối giữa giọng Bắc, Trung, Nam.