Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch, trong 25 năm qua (1993 – 2018), lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh đã tăng hơn 14 lần, chiếm gần một nửa tỉ lệ khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng khách nội địa cũng tăng gấp 24 lần. Tổng thu du lịch có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 40 lần. Tỷ trọng đóng góp doanh thu toàn ngành du lịch chiếm 11% cơ cấu GRDP (tổng thu nhập trên địa bàn) của thành phố Hồ Chí Minh Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh vẫn thiếu sức bật nên để vuột mất nhiều cơ hội phát triển…
Sản phẩm nhiều nhưng “mờ nhạt”
Tại buổi tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của thành phố Hồ Chí Minh – 25 năm thành công và thách thức” được diễn ra hôm 16/8 vừa qua, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, nếu năm 1993, khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh chỉ 519.000 lượt thì năm 2017 đã đạt gần 6,4 triệu lượt. Trong nửa đầu năm 2018, lượng khách quốc tế đến TP đạt 3,8 triệu lượt và dự báo cả năm có thể đạt 7,5 triệu lượt. Qua 25 năm (1993 – 2018), lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh đã tăng hơn 14 lần, chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến cả nước. Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá cao về mức tăng trưởng, lợi thế sẵn có nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức gay gắt, liên quan đến sự cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, khẳng định thành phố Hồ Chí Minh sở hữu quá nhiều sản phẩm, nhiều đến mức không biết phải làm gì, không biết cần đẩy cái nào trở thành sản phẩm đặc trưng, đặc thù. Nguyên nhân là vì chưa có nghiên cứu cụ thể, rõ ràng nên dù trong những năm qua, Sở Du lịch đã nỗ lực xây dựng các sản phẩm nhưng hầu hết chưa đạt được mục đích.
“thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển du lịch đường sông, đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, nhưng thực tế doanh nghiệp cứ đầu tư vào đường sông là lỗ, sản phẩm chưa thu hút được sự quan tâm của du khách. Hay như phố đi bộ Bùi Viện được kỳ vọng là nơi “hút” du khách, nhưng sau khi đi vào hoạt động đã trở thành “phố nhậu”, “phố ngồi”. Thành phố cần nhanh chóng có thống kê, đánh giá, định hướng để quy hoạch thị trường, từ đó phân loại sản phẩm. Nếu không phân tích kỹ sẽ dẫn đến kẹt sản phẩm, đánh mất thị trường, lỡ thời cơ phát triển”, ông Kỳ cảnh báo.
Theo PGS – TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, những thành tựu ấn tượng của du lịch thành phố Hồ Chí Minh trong 25 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động quản lý nhà nước về du lịch. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, du lịch thành phố phát triển còn chưa tương xứng với vị thế và đáp ứng được kỳ vọng của du khách.
Cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn trong quá trình xây dựng Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chưa nỗ lực trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tạo đột phá cho du lịch để thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến “du lịch không ngủ”; tạo những sản phẩm đặc thù như du lịch mua sắm, du lịch sinh thái cộng đồng Cần Giờ cũng như các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố Hồ Chí Minh.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù có bước tiến lớn trong những năm qua nhưng do thiếu chiến lược, thiếu quy hoạch phát triển, du lịch thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn loay hoay, chưa tạo nên thương hiệu, bản sắc riêng.
“Hút” du khách bằng chất lượng
Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp và nhiều chuyên gia đã đưa ra giải pháp nhằm giúp du lịch thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Lửa Việt Tours, Thành phố cần tăng thêm giá trị sản phẩm bằng tinh thần và thái độ phục vụ du khách với nụ cười niềm nở, thân thiện… Điều này ai cũng có thể làm ngay và không tốn tiền. Không ai cấm các điểm du lịch, mua sắm, nhà nghỉ hay khách sạn 1 – 2 sao phục vụ khách với tinh thần 4 – 5 sao.
Thêm nữa, thành phố Hồ Chí Minh nên có thêm các sản phẩm mới với nhiều chợ đêm và những phố đi bộ du lịch đúng nghĩa thành phố Hồ Chí Minh phải là trung tâm ẩm thực và hình thành tam giác trọng điểm du lịch, lấy các quận 1, 3, 5 làm trung tâm kết nối đến các huyện Củ Chi, Hóc Môn với loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, làng nghề, văn hóa, lịch sử… Phát triển Cần Giờ thành trung tâm du lịch sinh thái rừng ngập mặn và các liên hợp trò chơi mạo hiểm, huấn luyện ngoài trời (outdoor training).
Cũng theo ông Mỹ, cần kéo dài thời gian lưu trú và tham quan một cách hợp lý khi có sản phẩm mới để khách lựa chọn. Bên cạnh việc khuyến khích các đại gia đầu tư những phức hợp du lịch lớn, cần tập trung phát triển du lịch cộng đồng với các homestay theo quy chuẩn mới. Cuối cùng, chuyên gia giỏi cần được tập hợp tham vấn, phản biện cho ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, TS Hà Bích Liên, cố vấn cấp cao của 2 hãng tàu biển hàng đầu thế giới đến từ Mỹ và Đức, khẳng định, thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến hàng đầu của khách tàu biển trên những du thuyền cao cấp. Thế nhưng, thời gian qua một số tàu biển không thể vào được thành phố vì thiếu bến đậu, cầu cảng.
“Một tàu biển có thể chở từ 3.000 – 5.000 khách quốc tế, thuộc nhóm khách hàng có mức chi tiêu cao, nhưng thành phố Hồ Chí Minh rất khó đón được. Đầu tháng 9 tới sẽ có tàu biển chở 2.800 khách nhưng phải hủy vì thiếu bến đậu. Một tàu biển khác chở 4.800 khách quốc tế dự kiến tới thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 cũng phải hủy. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc thiếu cầu cảng chuyên dụng đón du khách nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết, dù rằng Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cũng tích cực kết nối với các đơn vị chuyên trách khác để hỗ trợ doanh nghiệp. thành phố Hồ Chí Minh không thu hút được lượng du khách tàu biển này là sự lãng phí lớn”, bà Liên cho biết.
Còn PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Viện trưởng, Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh vốn mang trong mình sự đa dạng về tài nguyên du lịch, văn hóa vùng miền tạo nên tiềm năng du lịch rất lớn nhưng cũng gây nhập nhằng trong việc định vị điểm đến.
Theo bà Thúy, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và bài bản của các điểm đến mới nổi trong nước cũng như các quốc gia khu vực Đông Nam Á, thành phố phải định vị được trong tâm trí du khách là một đô thị du lịch văn hóa sống động với trải nghiệm đa sắc màu. thành phố Hồ Chí Minh phải tìm bản sắc riêng, đó là tính đương đại và đa văn hóa, sự thân thiện hào sảng của người phương Nam...
Nguyễn Nam
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Sản phẩm du lịch của thành phố Hồ Chí Minh rất đa dạng nhưng lại thiếu sản phẩm chủ lực. Du lịch đường sông được xem là sản phẩm thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa thu hút được sự quan tâm của du khách. Trong ảnh: Sản phẩm du lịch đường sông kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Ảnh 2: Trong 25 năm qua (1993 – 2018), lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh đã tăng hơn 14 lần. Trong ảnh: Nhóm du khách quốc tế tham quan tại thành phố Hồ Chí Minh