Trong buổi tọa đàm “Bến Tre mở rộng liên kết phát triển du lịch” được diễn ra chiều 20/7 vừa qua, tại Khu du lịch Cồn Phụng, nhiều doanh nghiệp lữ hành đến từ TP.HCM, Kiên Giang, Cần Thơ… đã “hiến kế” để du lịch Bến Tre ngày càng phát triển, tạo hướng đi riêng mang nét đặc trưng của “xứ dừa”.
Xây dựng và định vị thương hiệu “xứ dừa”
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre, cho biết: “Lượng khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch không ngừng tăng qua các năm. Du lịch chiếm tỉ trọng không nhỏ trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương”.
Theo ông Phong, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội đến các khu, điểm du lịch đã được quan tâm đầu tư cơ bản hoàn thiện, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật không ngừng phát triển, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng được nâng lên đáp ứng kịp thời nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch nội địa và quốc tế… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch cũng đã, đang được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng nhu cầu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
“Bến Tre sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chuyên sâu, có thế mạnh, tránh trùng lắp so với các tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch từ sản phẩm dừa, ví dụ như quà lưu niệm, hóa mỹ phẩm…”, ông Trương Quốc Phong nhấn mạnh.
Về phát triển sản phẩm du lịch, ông Trần Duy Phương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bến Tre khẳng định, địa phương đang tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch đặc thù, dựa vào tiềm năng về tự nhiên, văn hóa và con người với các sản phẩm như du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; du lịch tham quan nghiên cứu văn hóa – lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng với mô hình du khách ở trong nhà dân (homestay) gắn với du lịch tham quan làng nghề; du lịch biển gắn với du lịch sinh thái rừng ngập mặn; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; du lịch hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện (MICE); du lịch trải nghiệm, thưởng thức văn hóa ẩm thực “xứ dừa”. Từng bước xây dựng và định vị thương hiệu “du lịch xứ dừa”.
“Bến Tre xác định phát triển đa dạng loại hình du lịch dựa vào tiềm năng về tự nhiên, văn hóa và con người, phấn đấu đến năm 2020 doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 25%/năm; tổng lượt khách tăng 15%/năm, đưa ngành du lịch Bến Tre trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng. Đến năm 2030, du lịch Bến Tre trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bến Tre, cho biết.
Điểm đến phải chạm đến cảm xúc
Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng hiện nay sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn của Bến Tre và cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long na ná nhau. Vì thế, cần tạo điểm nhấn đặc trưng để nhận diện sản phẩm du lịch của Bến Tre, điển hình là biểu tượng dừa Bến Tre.
Người dân Bến Tre đã quan tâm làm du lịch nên nếu du khách muốn khám phá vườn trái cây nổi tiếng thì đến xã Tân Phú hay vùng chợ Lách là làng cây kiểng, hoa kiểng nổi tiếng. Trong khi xã Vĩnh Thành là vùng đặc thù vừa có hoa vừa có kiểng, thân kiểng lá, cây con.
Bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng phát triển sản phẩm khối inbound – công ty lữ hành Saigontourist cho biết, Bến Tre là điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch miền Tây dành cho du khách. Sản phẩm du lịch Bến Tre đến nay là khá tốt. “Vài chục năm nay, Saigontourist chưa nhận được bất cứ sự than phiền nào của du khách từ món ăn đến dịch vụ khi khách đến du lich Bến Tre. Nhưng du khách chỉ đến một lần mà không quay trở lại bởi nơi đây chưa có sản phẩm cao cấp. Cái thiếu của Bến Tre là chưa có sản phẩm cao cấp để thu được tiền của du khách”, bà Ly khẳng định.
Cũng theo bà Ly, khách quốc tế và Việt Nam đã trải nghiệm các tour toàn là dừa tại Bến Tre. Trong tour này khách đạp xe dưới rừng dừa, trải nghiệm trồng lá dừa nước, thăm “công nghệ” chế biến các sản phẩm từ dừa, thưởng thức các hoạt động mua bán dừa tươi, dừa khô… trên một đoạn sông Thơm rất đẹp, thơ mộng. Tuy nhiên, để thu hút khách chi tiêu cao hơn, Bến Tre xây dựng sản phẩm tốt hơn ví dụ như xây dựng nhiều resort cao cấp, nâng bao bì mẫu mã, các món ăn từ dừa cần nâng lên tầm nghệ thuật hơn…”.
Trong khi đó, ông Cao Văn Tùng, Giám đốc khối du lịch nội địa công ty BenThanh Tourist góp ý cho ngành du lịch Bến Tre nên tập trung khai thác, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có thay vì liên tiếp mở rộng khai thác các sản phẩm mới. “13 năm trước, chúng tôi đã rất trăn trở về thực trạng sản phẩm du lịch trùng lặp, từ đó công ty đã đưa ra sản phẩm tát mương bắt cá được du khách rất yêu chuộng. Đến nay sản phẩm này được nhân rộng khắp nơi”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc công ty du lịch VietMark lại cho rằng, Bến Tre cần làm sao để hình ảnh đầu tiên ấn tượng với du khách là áo bà ba, nón lá và tất cả mang màu sắc chủ đạo là xanh lá dừa.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban sản phẩm – Dịch vụ công ty du lịch Vietravel khá ngạc nhiên sau vài năm quay lại Cồn Phụng thấy ngành du lịch Bến Tre năng động hơn so với khu vực khác của đồng bằng Sông Cửu Long.
Cũng theo bà Uyên, làm du lịch sinh thái du lịch trải nghiệm thì những điểm đến phải chạm đến cảm xúc của khách hàng. Bến Tre có thể xây dựng những “câu chuyện” xứ dừa, tạo ra sự tinh tế hơn cho sản phẩm. “Công ty chúng tôi không chỉ xây dựng sản phẩm mà xây dựng cả đường tour. Chúng tôi mong muốn sau khi kết thúc mỗi hành trình, du khách có cảm xúc trải nghiệm từng điểm đến, từng chỗ ăn kể cả không gian đều chạm đến trái tim khách hàng”, đại diện Vietravel chia sẻ.
Đại Phong
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Khách du lịch thích thú khi cho cá bú bình
Ảnh 2: Du khách trải nghiệm đi cầu khỉ khi tham quan tại KDL Cồn Phụng