Hát ca trù (hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò và hát ca công…) – một trong những loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt – với không gian văn hóa trải dài khắp các tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ XV, ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam.
Trong ca trù thanh nhạc và khí nhạc luôn đi song song với nhau và mỗi loại đều có nét đặc thù. Về thanh nhạc, ngoài hát tuồng có những kỹ thuật phong phú và độc đáo, còn các bộ môn ca nhạc cổ truyền khác đều không có kỹ thuật thanh nhạc phức tạp, tinh vi như ca trù. Thể hiện rõ nhất là khi đào nương cất tiếng hát, kỹ thuật hát rất điêu luyện, không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn rõ ràng, tròn vành rõ chữ. Hát trong cửa đình không cần ngân nga. Hát chơi có cách đổ hột, đổ con kiến làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người.
Về khí nhạc, ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt, đó là: Đàn đáy, phách và trống chầu. Ba nhạc cụ cơ bản này gắn liền với ba nhân vật quan trọng trong một cuộc hát, đó là: Kép (nam giới) - nhạc công chuyên chơi đàn đáy; đào nương - ả đào (nữ giới) - hát và gõ phách và quan viên cầm chầu là người đánh trống. Ở đây, trong nghệ thuật hát ca trù, đào nương chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bởi chính họ là người chuyền tải và thể hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp ca trù tồn tại cho đến ngày nay.
Về ca từ: Lời lẽ, ca từ trong nghệ thuật ca trù mang tính uyên bác, ít lời mà nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, trầm ngâm, sâu lắng. Ca trù có đủ các thể loại từ trữ tình lãng mạn đến sử thi anh hùng, triết lý giáo huấn… đã thu hút sự tham gia sáng tác, thể nghiệm tài năng của nhiều văn sĩ và trí thức. Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách... mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Về thể cách: Trong nghệ thuật ca trù, sự độc đáo không chỉ thể hiện ở việc sử dụng khí nhạc, mà nó còn thể hiện trong các thể cách - các làn điệu hát, hình thức diễn xướng múa, diễn, nghi lễ.... Tư liệu Hán Nôm đã ghi nhận 99 thể cách với 66 điệu thuần túy hát/nói/ngâm và 33 điệu có kèm diễn xuất tổng hợp trong nghi lễ hát múa diễn. Có thể kể ra đây một số thể cách ca trù phổ biến, còn lưu lại đến ngày nay: hát nói, đọc phú, giáo trống, giáo hương, thét nhạc, ngâm thơ, hát truyện, bắc phản, Tỳ bà hành, hát giai, hát ru, non mai, hồng hạnh, hát mưỡu, chừ khi, đại thạch, hồi loan, gửi thư... Sự phong phú của các thể cách ca trù có thể được giải thích bởi sự đa dạng trong lối hát và hình thức biểu diễn của nghệ thuật này. Nghệ thuật Ca trù được chia thành 3 lối hát chính: Hát chơi, hát cửa đình và hát thi. Trong mỗi lối hát, mỗi hình thức biểu diễn lại kèm theo những thể cách đặc trưng.
Hát chơi: Là lối hát tổ chức tại nhà quan viên hay nhà ả đào để quan viên thưởng thức. Hát chơi thường hát những bài tả tình, tả cảnh với sự phóng khoáng, phong lưu, tình tứ. Hát chơi gồm có 15 thể: Bắc phản, Mưỡu, Hát nói, Gửi thư, Đọc thơ-thỏng-dồn, Đọc phú, Chừ khi (có nơi gọi là Chử khi), Hát ru, Nhịp ba cung bắc, Tỳ bà, Kể truyện, Hãm, Ngâm vọng, Sẩm cô đầu, Ả phiền (riêng Ả phiền có tới 20 giọng).
Hát cửa đình: Là lối hát thờ thần (thần Thành hoàng). Hát cửa đình thường hát về những bài sử, về kinh truyện và sự tích danh nhân. Cách hát rõ ràng, cần nhiều hơi, cao giọng để mọi người cùng nghe rõ. Điệu bộ nghiêm trang không được lẳng lơ như hát chơi. Hát cửa đình gồm có 12 thể: Giáo trống, Giáo hương, Dâng hương, Thét nhạc, Hát giai, Đọc phú, Đọc thơ, Gửi thư, Đại thạch, Bỏ bộ, Múa bài bông (múa), Tấu nhạc và múa tứ linh (múa).
Hát thi: Được tổ chức ở cửa đình, là lối hát để khảo sát tài năng của đào kép. Vào mùa xuân, các làng sung túc, giàu có thường mở hội và mở cuộc thi ở cửa đình để chọn đào hay, kép giỏi. Các cô đầu có thể đỗ hoặc không đỗ trong các cuộc thi ở cửa đình, nhưng phải qua cuộc thi này họ mới được công nhận là người biết hát ca trù, mới trở thành một cô đầu chính thức.
Có thể nói, với những đặc trưng trên đây, nghệ thuật ca trù của Việt Nam đã bộc lộ được sự quyến rũ, thanh tao và độc đáo. Những đặc trưng riêng biệt của nó đã tạo nên sự độc nhất vô nhị không có ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Với bề dày của lịch sử, chiều sâu của nghệ thuật và mang bản sắc dân tộc rõ rệt ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.
____________________________________KA (Nguồn Bộ VH TT &DL)