Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn (được thành lập năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng) tại Huế. Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Đây là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Hiện nay, khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Đà Lạt, Lâm Đồng.
Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm với 55.318 mặt khắc, chứa đựng nội dung của 152 đầu sáchvới 1.935 quyển phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa giáo dục, tôn giáo - tư tưởng- triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự.
Về lịch sử: có 30 bộ sách gồm 836 quyển: ghi chép về lịch sử VN từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn.
Về địa lý: có hai bộ sách gồm 20 quyển: ghi chép về địa lý đã thống nhất ở VN và ghi chép về hoàng thành Huế.
Về chính trị xã hội: có năm bộ sách gồm 16 quyển: Ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến VN.
Về quân sự: có năm bộ sách gồm 151 quyển: Ghi chép về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc kỳ, Nam kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác.
Về pháp chế: có 12 bộ sách gồm 500 quyển: Ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn.
Về văn hóa - giáo dục: Có 31 bộ sách gồm 93 quyển: ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân, tiến sĩ triều Nguyễn.
Về tư tưởng triết học - tôn giáo: Có 13 bộ sách gồm 22 quyển: ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia.
Về văn thơ: Có 39 bộ gồm 265 quyển: ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và Nho gia nổi tiếng VN...
Về ngôn ngữ văn tự: Có 14 bộ sách gồm 50 quyển: giải nghĩa luận ngữ bằng thơ Nôm.
Về quan hệ quốc tế: tài liệu mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị khi tìm hiểu lịch sử và văn hóa các nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp...
Đây là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc. Những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng.
Để chế tác tài liệu này phải trải qua một quy trình chặt chẽ tốn nhiều thời gian công sức: Trước hết, vua ban dụ cho phép biên soạn sách. Sau đó cơ quan biên soạn dâng tấu xin được nghiên cứu châu bản để biên soạn sách bản thảo hoàn thành dâng lên vua ngự lãm. Bản thảo được giao trở lại cơ quan biên soạn bổ sung chỉnh sửa theo ý của vua. Bản thảo được chép “tinh tả” (rõ ràng). Cơ quan biên soạn lập biểu dâng sách lên vua ngự phê. Sách sau khi được ngự phê chuyển xuống giao cho cơ quan san khắc dưới sự kiểm soát của các quan theo chỉ dụ của vua. Mộc bản sau khi khắc xong các quan dâng biểu xin cho in thành sách. Mỗi bộ sách chỉ được khắc in khi có lệnh của vua.
Để chế tác tài liệu mộc bản, Quốc sử quán đã phải tuyển nhiều thợ chạm khắc giỏi. Thợ khắc mộc bản được lựa chọn từ các địa phương trong cả nước có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, và kỹ thuật khắc được sử dụng hoàn toàn thủ công.
Gỗ dùng làm ván khắc tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được dùng từ gỗ thị và gỗ cây nha đồng. Thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Nét chữ khắc trên tài liệu Mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo và sắc nét. Mỗi nét chữ như rồng bay phượng múa, chuyển tải tâm tư, tình cảm và tâm huyết của người thợ khắc in. Có thể nói, Mộc bản triều Nguyễn không chỉ là tài liệu quý có giá trị lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật.
_______________________________________TH (Nguồn Bộ VH TT & DL)