Dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành khá lâu đời, do cộng đồng người Việt (Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáng tạo nên. Đây là một trong những loại hình dân ca đặc trưng của Việt Nam, bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xóm. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu Quan họ gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hóa.
Nét đặc trưng của Quan họ chính là ở hình thức hát đối đáp. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ.
Hát quan họ không chỉ đòi hỏi hát tròn vành, rõ chữ, mượt mà, duyên dáng, bằng nhiều kỹ thuật như: rung, ngân, luyến, láy mà còn phải hát nảy hạt. Kỹ thuật nảy hạt của các nghệ nhân quan họ tuy có nét chung với lối hát chèo và ca trù nhưng lại rất riêng, khó lẫn. Tùy theo theo cảm hứng và thị hiếu của người hát, những hạt nảy có thể lớn nhỏ về cường độ.
Theo quan niệm của người Quan họ, nghệ nhân là những ngưòi có kỹ năng hát “vang, rền, nền, nẩy” điêu luyện, thuộc nhiều bài, nhiều "giọng" Quan họ. Họ chính là những bậc thầy dân gian thực hành việc sáng tạo, lưu giữ và trao truyền vốn di sản quý báu đó cho các thế hệ mai sau nên rất xứng đáng được tôn vinh.
Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca, lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi,ư hư, a ha…
Khi hát quan họ, người hát sử dụng những thể thơ và ca dao nhất định của người Việt, phần lớn là thể lục bát, lục bát biến thể, bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp. Lời các bài ca quan họ đều là những câu thơ, ca dao được trau chuốt, từ ngữ trong sáng, mẫu mực. Những bài ca quan họ được sáng tạo ngẫu hứng trong các kỳ hội làng, hoặc ứng tác ngay trong một canh tác, một cuộc thi trang giải của làng. Nội dung các bài ca thể hiện các trạng thái tình cảm của con người: nhớ nhung, buồn bã khi chia xa, sự vui mừng khi gặp lại của những người yêu nhau, mà không được cưới nhau theo quy định của những tập quán xã hội bằng một ngôn ngữ giàu tính ẩn dụ.
Dân ca quan họ mang nhiều nét độc đáo và được chia thành 2 loại: Quan họ truyền thống và quan họ mới.
Quan họ truyền thống: Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, vùng Kinh Bắc có tất cả 49 làng duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ (44 làng ở Bắc Ninh, 5 làng ở Bắc Giang) với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam.
Quan họ truyền thống hát không nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ. "Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức “cái tình” của bạn hát).
Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ" là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng, như: Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch...Từ sau năm 1954, quan họ được khai thác làn điệu, đặt lời mới thành ra ca cảnh diễn trên sâu khấu. Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm.
Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra nhiều nơi, đến với thính giả trong nước và các quốc gia trên trên thế giới.
Hình thức biểu diễn của quan họ mới rất phong phú, bao gồm hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa... Quan họ mới cải biên các bài bản truyền thống theo hai cách: không có ý thức (hát quan họ có nhạc đệm) và có ý thức (cải biên cả nhạc và lời của bài bản quan họ truyền thống).
Trải qua một quá trình phát triển lâu đời trên một vùng đất có sự giao lưu rộng và phát triển sớm, Hát Quan họ đã trở thành một điểm sáng trong dân ca Việt Nam. Lời hay ý đẹp, ngôn ngữ bình dân nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc; âm điệu phong phú, trữ tình; lối hát mượt mà với kỹ thuật nảy hạt độc đáo; phong cách lịch thiệp - tất cả làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của dân ca Quan họ.
VK (Nguồn Bộ VH TT & DL)