Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh còn có tên gọi khác là Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là thể loại dân ca mà người hát không cần nhạc đệm. Lối hát này do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt.
Theo kết quả kiểm kê năm 2012: có 75 nhóm Dân ca Ví, Giặm, với khoảng 1.500 thành viên, điển hình là Nhóm Dân ca Ví, Giặm Hồng Sơn, Nhóm Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn ở tỉnh Nghệ An, Nhóm Dân ca Ví, Giặm O Nhẫn, Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh; việc thực hành, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm được đẩy mạnh ở 15 huyện ở tỉnh Nghệ An và 12 huyện ở tỉnh Hà Tĩnh.
Được sáng tạo từ chính những người nông dân cần cù, dân ca ví dặm đã không ngừng phát triển và ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn về cách biểu diễn cũng như số lượng bài hát. Người dân xứ Nghệ thực hành dân ca trong cuộc sống hàng ngày từ lúc cày cấy, lao động cho đến khi ru con hay tại lễ hội….Các lối hát vì thế cũng được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví trèo non, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên,…Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là Dân ca Ví, Giặm.
Ví và Giặm xứ Nghệ có điểm chung là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể; có chung đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát, được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Các cuộc hát nổi bật với lối hát giao duyên, thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Mỗi bên hát phải có ít nhất hai, ba người, một người hát chính, người còn lại hát theo để đỡ giọng.
Hình ảnh giới thiệu về dân ca Ví, Giặm Nghệ tĩnh của Việt Nam trên trang web Unesco.org.. Dân ca Ví, Giặm được người dân xứ Nghệ thực hành trong mọi hoạt động thường ngày từ làm ruộng, cầy cấy cho đến khi ru con ngủ..
Trong đó: Hát Ví có âm điệu tự do, phụ thuộc vào lời ca ở thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, và phụ thuộc vào bối cảnh, tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Trong các cuộc hát, Ví phường vải là có quy cách và thủ tục hát chặt chẽ hơn cả, thường theo ba chặng: chặng một có hát dạo, hát chào/hát mừng và hát hỏi; chặng hai là hát đố hoặc hát đối - yêu cầu đối tượng phải giải và đối; chặng ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn.
Hát Giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, thường là nhịp 3/4 và 6/8. Một bài Giặm thường dựa theo thể thơ ngụ ngôn hay vè (thơ 5 chữ) có nhiều khổ. Loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 nên được gọi là Giặm. Có nhiều loại Giặm như: Giặm kể, Giặm nói, Giặm vè, Giặm nam nữ, Giặm cửa quyền, Giặm ru, Giặm xẩm,…Hát Giặm nam nữ có phường, có cuộc, có thể 2 - 3 người, 5 - 7 người hoặc có khi nhiều hơn. Quy trình hát Giặm về cơ bản cũng có ba chặng như hát Ví, song các bước thì không chặt chẽ, đầy đủ bằng.
Về ca từ, ca từ của Dân ca Ví, Giặm thường là những vần thơ cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát; nội dung đa dạng, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, con người, mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ còn là nguồn cảm hứng, là chất liệu cho các tác phẩm âm nhạc, ca khúc, ca kịch đương đại biểu diễn ở sân khấu, trong các phong trào truyền thông, hoạt động văn hóa xã hội, được công chúng rất yêu thích, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng càng thêm phong phú.
Trên trang web của tổ chức Unesco có phần giới thiệu về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam: Ví, Giặm được thực hành trong một phạm vi rộng tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung Việt Nam. Người dân có thể hát mà không cần nhạc cụ kèm theo, họ hát khi lao động, khi vui chơi, ru con ngủ…Dân ca Ví, Giặm không chỉ đặc biệt bởi lời bài hát sử dụng các từ ngữ địa phương mà còn bởi ngữ điệu của người Nghệ Tĩnh khi hát. Lời của các bài dân ca Ví,Giặm tập trung nhiều vào các giá trị văn hóa, lòng hiếu kính đối với cha mẹ và một số phong tục tập quán…Hát Ví, Giặm đã phát triển và tồn tại trong 1 thời gian dìa trong cộng đồng người dân 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Ngày nay, loại hình này vẫn thường được thực hiện tại các sự kiện mang tính chất cộng đồng. Ngoài ra còn được biểu diễn trên các sân khấu lớn bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp.
_____________________________________NLH (nguồn Bộ VHTT &DL)