Quần thể di tích Cố đô Huế gồm toàn bộ những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa (nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Nằm ở bờ Bắc sông Hương, tổng thể kiến trúc của Cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng với diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.
Ba tòa thành này được đặt lồng vào nhau, bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên.
Kinh thành được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Kinh thành Huế bao gồm các di tích: Kỳ Đài Trường; Quốc Tử Giám; Điện Long An; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế; Đình Phú Xuân; Hồ Tịnh Tâm; Tàng thư lâu; Viện Cơ Mật - Tam Tòa; Đàn Xã Tắc; Cửu vị thần công…
Hoàng thành nằm bên trong Kinh Thành, được giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông, mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô đó là Ngọ Môn - khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Hoàng Thành có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Hoàng Thành và Tử Cấm Thành thường được gọi chung là Đại Nội. Các di tích trong Hoàng thành gồm: Ngọ Môn; Điện Thái Hoà và sân Đại Triều Nghi; Triệu Tổ Miếu; Hưng Tổ Miếu; Thế Tổ Miếu; Thái Tổ Miếu; Cung Diên Thọ; Cung Trường Sanh; Hiển Lâm Các; Cửu Đỉnh; Điện Phụng Tiên
Tử Cấm Thành nguyên gọi là Cung Thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Các di tích trong Tử cấm thành gồm: Tả Vu và hữu Vu; Vạc đồng; Điện Kiến Trung; Điện Cần Chánh; Thái Bình Lâu và Duyệt Thị Đường.
Xuyên suốt cả ba tòa thành, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Ðình, Phu Văn Lâu, Kỳ Ðài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung...
Trong quần thể di tích Cố đô Huế có 16 điểm di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là:
1. Kinh thành ở bờ Bắc sông Hương bảo vệ cho Khu vực hành chính của nhà Nguyễn và là nơi ở của Hoàng Gia.
2. Hoàng thành nằm ở trung tâm của Kinh thành là nơi ở và làm việc của các Vua Nguyễn
3. Lăng Gia Long “Hoành tráng Gia Long”
4. Lăng Minh Mạng “Thâm nghiêm Minh Mạng”
5. Lăng Thiệu Trị “Khoáng đạt Thiệu Trị”
6. Lăng Dực Đức Giản dị Dức Đức
7. Lăng Tự Đức “Thơ mộng Tự Đức”
8. Lăng Đồng Khánh “Xinh xắn Đồng Khánh”
9. Lăng Khải Định “Tinh xảo Khải Định”
10. Văn Miếu, nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên các Tiến sỹ thời Nguyễn.
11. Đàn Nam Giao, nơi vua tế trời
12. Hổ Quyền, đấu trường duy nhất còn lại ở Châu Á dành cho voi và hổ
Bên cạnh những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích do thiên nhiên khéo tạo, Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Với công cuộc bảo tồn lớn lao theo những tiểu chuẩn cao nhất của Di sản thế giới, kho tàng văn hoá Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn - cho Việt Nam và cho thế giới để Huế sẽ mãi mãi là niềm tự hào của chúng ta.
________________________________________HP (nguồn: Bộ VHTT &DL)