Hát Xoan – một loại hình dân ca lễ nghi phong tục hội tụ đa yếu tố nghệ thuật: nhạc, hát, múa... của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan là tên gọi khác (nói chệch) của hai từ Hát Xuân hay Ca Xuân; là lối hát dùng trong nghi lễ, phong tục, lễ hội diễn ra vào mùa xuân
Đây là một hiện tượng văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, có nội dung tín ngưỡng với mục đích thờ thần, cầu thần ban phát phù trợ cho dân làng tứ thời tiết lập, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, đông đàn dài lũ, nhân khang thịnh vượng, quốc thái dân an…
Theo truyền thuyết, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Các làng xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm ở trung tâm nước Văn Lang xưa, vì vậy hát xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ. Đây cũng là loại hình âm nhạc có tính chuyên nghiệp, phản ánh trình độ, khả năng thụ hưởng văn hóa của người Việt.
Dưới thời Lê sơ, khi mà các hình thức ca nhạc được gọi chung là “khúc môn đình” theo nghĩa rộng của người Việt được thiết lập cùng với sự xuất hiện của các ngôi đình và các lễ nghi thờ thần do Nhà nước quy định. Hát Xoan mang 2 thông điệp về văn hóa, đó chính là nội dung cầu chúc, khẩn nguyện, thờ lễ và trữ tình, giao duyên. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Nét đặc sắc hơn cả của hát Xoan là khi múa có hát và ngược lại khi hát có múa trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da.
Hát Xoan chủ yếu hát vào tháng Giêng, tháng Hai Âm lịch theo tục giữ cửa đình, hát vào các ngày nhất định không thay đổi. Lịch hát và các địa phương hát Xoan - hát giữ cửa đình là tục lệ chung cho các họ Xoan. Hát Xoan có tổ chức phường họ, có những quy định về tổ chức, những tục lệ riêng. Phú Thọ có 4 phường Xoan được gọi theo tên làng là các phường Xoan: An Thái, Phù Đức, Kim Đái và Thét. Phường Xoan là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn là có quan hệ họ hàng bà con với nhau. Mỗi phường Xoan có một trùm phường, 4 hay 5 kép và từ 12 tới 15 đào. Trang phục của phường Xoan là do đào kép tự trang bị lấy. Nam trong trang phục áo the dài và bộ quần áo trắng và khăn xếp. Nữ trong trang phục áo tứ thân, một cặp áo cánh tơ tằm, một khăn vuông thâm, một khăn vấn bằng vải nâu tím, đôi thắt lưng màu và yếm màu hay yếm trắng.
Nghệ thuật hát Xoan là nghệ thuật diễn xướng tổng hợp, hát đi đôi với múa và nhạc đỡ giọng giữ nhịp, trong đó yếu tố hát là chính. Hát Xoan là hình thức nghệ thuật “Hát thơ”, hát trên rất nhiều thể thơ truyền thống Việt Nam như: Lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, các thể thất ngôn và thể 4 chữ. Hát Xoan có không gian văn hóa và cũng là địa điểm trình diễn là không gian văn hóa hát thờ (hát cửa đình) và không gian văn hóa hát chơi. Hát Xoan được trình diễn trong khoảng thời gian từ lúc lên đèn, qua đêm đến rạng sáng hôm sau là tan cuộc.
Nghệ thuật trình diễn hát Xoan được trình diễn theo một trình tự nhất định (lề lối). Mở đầu là hát múa mời vua về dự hội đình với dân làng; tiếp theo là hát quả cách - hát những bài hát chúc vua, những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; cuối cùng là hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng, mà phường Xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm thì trình diễn đủ chương trình gồm các vũ điệu và gần 2 nghìn câu hát.
Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, hàng ngàn năm Bắc thuộc, thời đại phong kiến Việt Nam tự chủ, chế độ phong kiến suy tàn, thời Pháp thuộc, đế quốc Mỹ xâm lược đến chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hát Xoan vẫn tồn tại và đang hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng. Như vậy, với bề dày lịch sử của mình, với không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng, Hát Xoan xứng đáng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
TH (Nguồn Bộ VH TT & DL)