Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những bản gỗ khắc chữ Hán và chữ Nôm với kĩ thuật khắc ngược dùng để in ra thành sách. Mỗi tấm Mộc bản kinh gồm có hai mặt, mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Tài liệu mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc chủ yếu trong khoảng thời gian từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19. Đây là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Hiện nay, khối tài liệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đang được lưu trữ tại ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang)– ngôi chùa được mệnh danh là "Đại danh lam cổ tự" nổi tiếng khắp cả nước. Đây là trung tâm Phật giáo lớn nhất vào thời Trần, một chốn Tổ quan trọng, nơi ba vị Trúc Lâm Tam tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang từng trụ trì và mở đường thuyết pháp.
Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 đơn vị ván khắc chứa đựng nội dung của 9 đầu sách lớn thuộc các thể loại: Kinh, luật, luận, truyện ký, lục, sách thuốc… (trong đó chủ yếu là kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật kí của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử). Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng những giá trị trường tồn với thời gian.Đó là giá trị về tư tưởng giáo lý của nhà Phật, về triết lý nhân sinh, giá trị về văn học và ngôn ngữ, giá trị về kiến trúc và đặc biệt là giá trị nhân văn sâu sắc.
Vật liệu dùng làm bản khắc là gỗ thị và hầu hết được khai thác tại vườn chùa. Đây là loại gỗ thường được dùng để làm bản khắc in vì gỗ mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ. Kích thước các mộc bản không đồng đều tuỳ theo từng bộ kinh/ sách. Bản khắc lớn nhất là các loại sớ điệp chiều dài hơn 1m, rộng 40cm - 50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15cm x 20cm, nhưng phần lớn mộc bản có kích cỡ 33cm x 23cm x 2,5cm.
Bộ mộc bản được khắc công phu, cầu kỳ, tốn kém nhiều công sức. Người thợ khắc gỗ Việt Nam phải là người đa năng: giỏi chữ Hán/chữ Nôm, có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh tường, bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng và trình độ thẩm mỹ rất cao mới tạo ra được các mộc bản này. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau như chân thư, thảo thư, lệ thư, hành thư... Nhiều trang mộc bản được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức họa đồ minh hoạ, đường nét tài hoa tinh tế, bố cục chặt chẽ hài hoà xứng đáng là tác phẩm đồ họa có giá trị thẩm mỹ cao.
Ngoài những giá trị về mặt hiện vật, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị rất lớn về mặt học thuật. Qua các mộc bản này, có thể thấy rõ những tư tưởng, giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm một cách rõ nét nhất với các giá trị nhân văn sâu sắc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là về thân thế, sự nghiệp của Ðức Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông và nhiều danh nhân văn hóa lịch sử khác của nước ta.
Mộc bản chữ Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại Trần, Lê, Nguyễn… Sự xuất hiện hai loại hình chữ viết Hán và Nôm trên các mộc bản này còn là cơ sở giúp cho các nhà ngôn ngữ học và sử học lí giải được lịch sử và tiến trình phát triển chữ viết của người Việt, nhất là quá trình chuyển biến từ chữ Hán (của người Trung Quốc) sang chữ Nôm (loại chữ viết tượng hình do người Việt sáng tạo ra trên cơ sở của chữ Hán). Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển về mặt ngôn ngữ và chữ viết mà còn cho thấy tính tự tôn dân tộc của người Việt.
Đặc biệt, các tác phẩm văn học trong mộc bản sách Thiền tông bản hạnh như: "Cư trần lạc đạo phú" (Ở trần thế vui với đạo) viết theo thể phú, "Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca" (Bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo của Trần Nhân Tông, "Vịnh Hoa Yên tự phú" (vịnh cảnh chùa Hoa Yên) của thiền sư Huyền Quang... là những tác phẩm văn học thiền tông có giá trị và có sự ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và được nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu.
Bên cạnh đó, trong bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn có những mộc bản đúc kết kinh nghiệm dân gian về y dược. Sách “Kính tín lục” có trong bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ghi chép các phương thuốc cấp cứu, chữa bệnh (An thai thôi sinh phương, Thiên Trúc cốt dược, Phụ cấp cứu phương…) là sự đúc kết kinh nghiệm dân gian đã được khảo nghiệm những tinh túy về y dược thời bấy giờ. Mộc bản các sách trên là cơ sở để truyền bá, phổ biến kinh nghiệm, vừa thể hiện lòng nhân ái của đạo Phật, qua đó nâng cao vị thế, trách nhiệm của nhà sư (theo Phật phái Trúc Lâm); Đồng thời, sách in từ mộc bản được phổ biến rộng rãi cũng là biện pháp để hoằng dương Phật pháp (hỗ trợ dân, làm dân thêm tôn quý, khiến dân tin theo). Đó là hình thức nhập thế trực tiếp vào dân gian theo chủ trương của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay, các phương thuốc này vẫn được phổ biến rộng rãi ở nhiều chùa chiền, thiền viện, các vùng quê góp phần cứu nhân độ thế đến nay vẫn được nhiều người ứng dụng.
Tồn tại tương đối nguyên vẹn cho tới ngày nay, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với những giá trị độc đáo trường tồn cùng thời gian, Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm xứng đáng được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
_____________________________________TH (Nguồn Bộ VH TT & DL)