Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý (1009 - 1225) tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) ngày 2/11 Kỷ Dậu (21/11/1009). Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Ngay trong mùa thu năm đó, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành.
Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành (Kinh thành), bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Đây là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành - khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành - nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ.
Sau Nhà Lý, Nhà Trần đã tiếp quản Kinh thành Thăng Long rồi tiếp tục tu bổ, xây dựng các công trình mới. Sang đến đời nhà Lê sơ, Hoàng thành cũng như Kinh thành được xây đắp, mở rộng thêm ra. Trong thời gian từ 1516 - 1788 thời nhà Mạc và Lê trung hưng, Kinh thành Thăng Long bị tàn phá nhiều lần. Đầu năm 1789, vua Quang Trung dời đô về Phú Xuân, Thăng Long chỉ còn là Bắc thành.
Thời Nguyễn, những gì còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long lần lượt bị các đời vua chuyển vào Phú Xuân phục vụ cho việc xây dựng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi ngự giá Bắc thành. Năm 1805, vua Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng thành cũ và cho xây dựng Thành Hà Nội theo kiểu Vauban của Pháp với quy mô nhỏ hơn nhiều.
Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn, vua Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Khi chiếm xong toàn Đông Dương, người Pháp chọn Hà Nội là thủ đô của liên bang Đông Dương thuộc Pháp và Thành Hà Nội bị phá đi để lấy đất làm công sở, trại lính cho người Pháp. Từ năm 1954, khi bộ đội ta tiếp quản giải phóng thủ đô thì khu vực Thành Hà Nội trở thành trụ sở của Bộ quốc phòng.
Song hành cùng lịch sử dân tộc trong suốt 10 thế kỷ qua, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được UNESCO công nhận bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47.000m2 và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138.000m2, tạo thành một di sản thống nhất.
Khu Di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ 19. Đây là minh chứng về một quần thể nền móng của các công trình kiến trúc phong phú, đa dạng thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau bắt đầu từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ XIX, hiện diện bởi các di tích nền móng kiến trúc, giếng nước, cống nước và dấu vết của các ao hồ, sông đào...
Thành cổ Hà Nội còn bảo tồn trên măt đất một số di tích của Cấm thành Thăng Long thế kỷ XV như nền chính điện Kính Thiên với bậc thềm bằng đá có lan can chạm đôi rồng 5 móng tạc năm 1467, cửa Đoan Môn và di tích của thành Hà Nội thế kỷ XIX như Cửa Bắc, Kỳ Đài, cửa Hành cung. Những thám sát khảo cổ học cho thấy tiềm năng di sản trong lòng đất rất lớn. Trong thành cổ Hà Nội còn một số kiến trúc mang chức năng quân sự của quân Pháp cuối thế kỷ XIX và Đại bản doanh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất quốc gia những năm 1954-1975.
Mang trong mình những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa trong suốt chiều dài hơn 1000 năm, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long xứng đáng được tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là niềm tự hào của tất cả những ai đang mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
TH (Nguồn Bộ VH TT & DL)