Theo khảo sát thường niên của CPA Australia, các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đều bày tỏ sự tự tin về nền kinh tế quốc nội trong năm 2024. Trong đó, 86% doanh nghiệp dự báo sẽ bứt tốc nhờ vào tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế - kết quả này cũng cải thiện so với 2 năm trước.
Báo cáo cũng cho thấy 77% doanh nghiệp địa phương quy mô nhỏ đã ghi nhận tăng trưởng trong năm 2023. Con số này cao hơn rất nhiều so với giá trị trung bình của dữ liệu khảo sát (60%), cũng như vượt trội và chỉ thấp hơn 2 trong tổng số 11 thị trường trong Khảo sát Các doanh nghiệp nhỏ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Chủ tịch Ban Tư vấn chiến lược khu vực phía Nam Việt Nam của CPA Australia, ông Nam Nguyễn FCPA nhận định: “Tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam tự tin vào nền kinh tế quốc nội hiện cao nhất giữa các thị trường được khảo sát với đến 9/10 doanh nghiệp đặt kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay.
Các doanh nghiệp nhỏ hài lòng hoặc rất hài lòng với khả năng sinh lời của doanh nghiệp, trong đó, 77% doanh nghiệp địa phương quy mô nhỏ đã ghi nhận tăng trưởng trong năm 2023.
Thành công của các doanh nghiệp địa phương quy mô nhỏ không chỉ đơn thuần dựa vào nền tảng kinh tế quốc nội vững mạnh. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có đặc điểm tương tự như các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, điển hình như khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao, chú trọng nâng cao năng lực quản lý và chiến lược kinh doanh, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo.
Qua đó, có thể thấy rằng một số doanh nghiệp nhỏ Việt Nam sở hữu tiềm năng trở thành những tập đoàn lớn, mang quy mô toàn cầu trong vài năm tới nếu được tiếp cận nguồn vốn hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển kinh doanh.”
Một yếu tố khác góp phần vào sự thành công của các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam là chủ doanh nghiệp hoặc tổng giám đốc có độ tuổi trung bình trẻ nhất khu vực, với 65% vị trí lãnh đạo then chốt không quá 40 tuổi (tỷ lệ trung bình khu vực là 43%). Dữ liệu cũng cho thấy nhóm nhân sự lãnh đạo trẻ này thường điều hành các doanh nghiệp đang trên đà phát triển, tập trung đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam cũng dành nhiều thời gian và nguồn lực nhất cho hoạt động ESG trên các phương diện như chính sách đa dạng và hòa nhập, chính sách về sức khỏe và an toàn của nhân viên cũng như các chương trình tình nguyện vì cộng đồng.
Doanh nghiệp nhỏ Việt Nam rất chú trọng đến các hoạt động ESG, đặc biệt ở các phương diện về đa dạng và hòa nhập, sức khỏe và an toàn nhân viên cũng như các chương trình cộng đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam hiện đứng thứ hai về chủ động sáng tạo đổi mới, với 44% doanh nghiệp dự kiến ra mắt sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ mới tại thị trường nội địa hoặc quốc tế trong năm 2024. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tài chính gặp nhiều thách thức hơn trước khi chỉ 27% doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm nguồn tài chính giảm đến 50% so với năm 2022.
Ông Nam Nguyễn cho biết thêm: “Tập trung vào đổi mới cũng góp phần vào sự phát triển dài hạn và nâng cao năng lực cạnh canh của các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Để thực hiện điều đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nỗ lực phối hợp tháo gỡ rào cản tài chính, đặc biệt trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn suy giảm.”
Doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực về tốc độ thu hồi vốn từ đầu tư công nghệ. Theo đó, 76% doanh nghiệp cho hay, đầu tư công nghệ mang lại lợi nhuận cho họ - tăng vượt bậc so với năm 2022 (51%).
77% doanh nghiệp nhỏ thu về hơn 10% doanh thu từ thương mại điện tử - đây là con số cao nhất được ghi nhận tại Việt Nam.
Sự chênh lệch này được thể hiện qua khả năng thu hồi vốn qua kinh doanh trực tuyến. 77% doanh nghiệp nhỏ thu về hơn 10% doanh thu thông qua thương mại điện tử trong năm 2023 - số liệu cao nhất được ghi nhận tại Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cũng có sự cải thiện rõ rệt - chỉ 6% doanh nghiệp không sử dụng mạng xã hội cho mục đích thương mại (tỷ lệ này năm 2022 là 26%).
Khảo sát cũng chỉ ra đa số doanh nghiệp nhỏ đã tiến hành đẩy mạnh khả năng bảo mật trong 6 tháng qua, cho thấy tăng cường an ninh mạng đang cần thiết hơn bao giờ hết. Thực tế, trong năm 2023, 64% doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đã phải hao tổn thời gian và tài chính để giải quyết các sự cố mạng, và 70% doanh nghiệp dự đoán sẽ có thêm các cuộc tấn công mạng diễn ra trong năm nay.
“Các doanh nghiệp nhỏ nên chủ động thực hiện các biện pháp bảo mật để ngăn ngừa thiệt hại đến từ các mối đe dọa an ninh mạng, bởi nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận, niềm tin khách hàng cũng như tinh thần nhân viên.”
Ông Nam Nguyễn kết luận: “Một tín hiệu khả quan là Chính phủ đã chính thức ban hành ‘Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia’. Chiến lược này bao gồm các biện pháp hướng đến mục tiêu giúp Việt Nam tiếp tục nằm trong top 30 về chỉ số an toàn an ninh mạng của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ nên theo dõi sát sao kế hoạch thực thi của Chính phủ để xây dựng không gian mạng an toàn và đáng tin cậy, đồng thời phòng chống tội phạm mạng.”
Chung Dung