Những tháng đầu năm 2018, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Châu Đốc (An Giang) tăng trưởng mạnh. Doanh thu thông qua chợ đạt trên 1.400 tỷ đồng. Lượng khách tham quan đến thành phố đạt trên 2,2 triệu lượt và không ngừng tăng theo từng năm. Để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch của Châu Đốc, phóng viên Báo Du lịch đã có cuộc phỏng vấn ông Lâm Quang Thi, Bí thư Thành ủy Châu Đốc xoay quanh những vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội, du lịch của thành phố trong giai đoạn tới.
PV: Xin ông cho biết tình hình kinh tế – xã hội của thành phố Châu Đốc trong những tháng đầu năm 2018?
Ông Lâm Quang Thi: Châu Đốc là một trong những đơn vị cấp huyện dẫn đầu về kết quả hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đang ngày càng trở thành một đô thị xứng tầm là trung tâm du lịch tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2018, tiếp tục thực hiện chủ đề “Năm du lịch và văn minh đô thị”, thành phố tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Qua đó, tình hình kinh tế – xã hội trong những tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo đúng định hướng chung của tỉnh. Những tháng đầu năm 2018, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Châu Đốc tăng trưởng mạnh. Doanh thu thông qua chợ đạt trên 1.400 tỷ đồng. Khách tham quan đến các điểm du lịch tăng so cùng kỳ; nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện các dự án trên địa bàn, với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, như: sân đua bò giai đoạn 2, Khu du lịch Bắc Miếu Bà, Khu đô thị mới Tập đoàn Sao Mai, Hoa viên nghĩa trang, Khu nông – lâm kết hợp du lịch sinh thái rừng tràm Vĩnh Tế, Khu du lịch bãi bồi Vĩnh Mỹ…Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tranh thủ các nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng du lịch, như: Kè Châu Đốc; nâng cấp, cải tạo đường Trưng Nữ Vương; đường Phan Đình Phùng nối dài; đường lên đỉnh núi Sam; tuyến đường đoạn từ đường tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông… Đặc biệt, chú trọng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và đào tạo nguồn nhân lực.
PV: Những thành quả phát triển kinh tế của Châu Đốc thật đáng tự hào. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách vào những dịp lễ hội… vẫn là bài toán khó. Đối với Châu Đốc, giải pháp của thành phố sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Lâm Quang Thi: Châu Đốc có vị trí địa lý đặc thù “tiền tam giang, hậu thất lĩnh”; đặc biệt, với bề dày lịch sử 260 năm hình thành và phát triển đã tích tụ một nền văn hóa bản địa đặc sắc và đa dạng. Đó chính là nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc để địa phương tận dụng một cách phù hợp cho sự phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, việc bảo tồn các loại hình tài nguyên du lịch văn hóa hiện hữu luôn được địa phương quan tâm thực hiện, như: Cụm di tích Núi Sam (trong đó, có các di tích lịch sử và văn hóa tiêu biểu như Lăng Thoại Ngọc Hầu; Miếu Bà Chúa Xứ; Chùa Tây An, Chùa Hang); các tài nguyên văn hóa phi vật thể hấp dẫn du khách (như Lễ hội Bà Chúa Xứ tổ chức hàng năm); nghề và làng nghề thủ công truyền thống (như làng nghề mắm Châu Đốc nổi tiếng gần xa); hay các món ẩm thực mang hương vị đặc trưng của vùng. Riêng đối với vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách vào những dịp lễ hội… đúng là “bài toán” khó. Và khi đã xác định “khó” thì càng phải quan tâm tháo gỡ. Vấn đề này đã được địa phương nhận diện và triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Từ đó, tình hình an ninh trật tự, giá cả dịch vụ tại các điểm, khu du lịch tương đối ổn định, đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: ứng xử trong du lịch của một số hộ kinh doanh chưa thân thiện, chuyên nghiệp. Dù chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp, song tình trạng mua bán vẫn chưa thực sự văn minh; các loại hình du lịch còn đơn điệu chưa đủ sức giữ chân du khách; môi trường du lịch, sản phẩm và các dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu và thiếu, cán bộ quản lý du lịch chưa được đào tạo chuyên sâu…
PV: Ngành du lịch đang mang lại sự khởi sắc rõ rệt cho thành phố. Với tiềm năng và thế mạnh hiện hữu, ông có thể chia sẻ về mục tiêu, kế hoạch trong thời gian tới của thành phố Châu Đốc?
Ông Lâm Quang Thi: Đảng bộ thành phố đã đề ra mục tiêu “phấn đấu đến trước năm 2025, Núi Sam (Châu Đốc) đáp ứng các tiêu chí của Khu Du lịch Quốc gia; đến năm 2030, trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh, cùng với tỉnh và các điểm du lịch lân cận trở thành điểm đến quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”. Theo đó, xác định phát triển du lịch tâm linh làm chủ đạo đồng thời mở rộng đa dạng hoá các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng... để thu hút du khách trong và ngoài nước. Một số giải pháp cụ thể tập trung thực hiện đó là: trước tiên cần đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch cho các ngành, các cấp đến từng người dân, doanh nghiệp và cộng đồng; tiếp theo là phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, truyền thông quảng bá, tăng cường liên kết vùng để phát triển du lịch. Như đã đề cập, thành phố chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, đồng thời gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; thực hiện quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và cuối cùng là phải tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!