Những con suối, ngọn thác từ những cánh rừng nguyên sinh uốn lượn, kết nối với nhau tạo ra hình ảnh dòng sông hoa rồng trên lòng hồ Thủy điện Cần Đơn (Bình Phước) mang hình dáng “tam long hội tụ” đang bay trong mây được một du khách tình cờ phát hiện, ghi lại trong một chuyến bay trên bầu trời trong không phận của tỉnh Bình Phước. Đây được xem là điều độc nhất vô nhị không chỉ tại Bình Phước mà cả Việt Nam tính tới thời điểm này.
Bức ảnh con rồng lớn trong thế “tam long hội tụ” được cho là của một du khách ghi lại được từ máy bay trong một chuyến bay trên bầu trời trong không phận của tỉnh Bình Phước và đăng trên trang mạng xã hội facebook hôm 9/5 với dòng trạng thái “Cuu Long (9 dragons) river - Southern Vietnam from the plane” (tạm dịch: Sông Cửu Long (9 con rồng) - Miền Nam Việt Nam từ trên máy bay) và tài khoản lephan.one đăng lại trên instagram hôm 11/5 vừa qua khiến nhiều người phải ngỡ ngàng vì đẹp.
Hệ thống sông, hồ tạo thế “tam long hội tụ”
Những con suối từ phía thượng nguồn sông Bé ngược hướng Đông Tây qua địa bàn của huyện Bù Gia Mập rồi hợp lưu với dòng Đắk Quýt (bắt nguồn từ biên giới Campuchia chảy qua) tạo thành ngã ba Dàm trên lòng hồ Thủy điện Cần Đơn (xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước).
Diện tích lưu vực của lòng hồ Thủy điện Cần Đơn khoảng hơn 19km2 tiếp giáp giữa hai huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập. Đây cũng là công trình thủy điện thứ hai trên dòng sông Bé oai hùng đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước.
Để có được 1.377 ha diện tích mặt nước, hồ Thủy điện Cần Đơn còn đón nhận nguồn nước của 7 con suối lớn nhỏ chảy ra từ hơn 6.500 ha rừng trên địa bàn huyện Bù Đốp. Chính những con suối này kết nối tạo ra nhánh sông trên lòng hồ
Thủy điện Cần Đơn mang hình dáng của con rồng đang bay trong mây khi nhìn từ trên cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học KHXH-NV, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn trên Google Map cũng sẽ thấy Bình Phước có 3 hồ (Srok Phu Miêng, Thác Mơ và Cần Đơn) rất giống hình 3 con rồng quấn quýt lấy nhau, tạo nên thế “tam long hội tụ”..
“Xét riêng hồ Thủy điện Cần Đơn, nếu phóng to sẽ thấy hình ảnh một con rồng mẹ đang dẫn dắt 2 con rồng con ở thế ‘thanh long vũ hội’ đang quấn lấy nhau”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ khẳng định, Bình Phước là địa phương duy nhất trên toàn quốc sở hữu địa thế “tam long tụ hội”.
Đã từ lâu, hình tượng rồng luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam. Rồng không chỉ là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền mà trong văn hóa Việt Nam, rồng còn là biểu tượng tâm linh gắn với tình cảm, hồn cốt dân tộc, từ nguồn gốc “con rồng cháu tiên”.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, rồng uốn lượn giữa đại ngàn xanh thẳm, ắt ấy là Thanh long - vật biểu trưng của phương Đông trong thuyết Ngũ hành: Tả thanh long (phương Đông), hữu bạch hổ (phương Tây), nam chu tước, bắc huyền vũ và trung tâm hoàng nhân (con người).
“Có lợi cho phát triển du lịch”
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, “tam long hội tụ” là nguồn lực sinh thái - tự nhiên. Trong khi di sản văn hóa các dân tộc Bình Phước vốn gắn bó hài hòa với tự nhiên - sinh thái địa phương, bao đời nay được xem là bảo tàng văn hóa bản địa điển hình của vùng Đông Nam bộ.
“Các nguồn lực này có lợi cho phát triển du lịch sinh thái - văn hóa, đặc biệt là các loại hình du lịch gắn với giáo dục sinh thái rừng, du lịch mạo hiểm, du lịch di sản văn hóa, du lịch về nguồn”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.
Vì thế, theo ông Thơ, Bình Phước cần xây dựng triết lý và khẩu hiệu văn hóa du lịch riêng cho tỉnh nhà. Trong đó, có thể xem xét xây dựng quần thể “tam long hội tụ” thành biểu tượng văn hóa du lịch, xem xét lấy slogan “Bình an phước lành - tam long hội tụ” thành khẩu hiệu cho ngành du lịch địa phương.
Trước đó, hồi tháng 1/2020, một người nước ngoài cũng đã đăng bức ảnh “tam long hội tụ” kèm dòng trạng thái “Vietnam's river system looks like a dragon, photo taken from an airplane” (tạm dịch: hệ thống sông ngòi Việt Nam giống con rồng, ảnh chụp từ máy bay) trên một hội nhóm khá nổi tiếng có hàng chục ngàn thành viên.
Ngay sau đó, cộng đồng mạng đã truy tìm địa chỉ. Qua hình vệ tinh, mọi người khẳng định địa điểm của bức ảnh chính là khu vực hồ Thủy điện Cần Đơn và lưu vực của Sông Bé (tỉnh Bình Phước).
Bức ảnh sau đó được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước chỉnh lại bố cục và đặt chế tác thành các bức tranh sơn dầu, tranh gạo… và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm quà tặng cho các vị chính khách, doanh nghiệp nước ngoài khi đến làm việc tại địa phương, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh riêng có của Bình Phước.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Đỗ Minh Trung, Phó giám đốc Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước cho biết, tác phẩm này thể hiện hình ảnh 3 con rồng cách điệu với tư thế uốn lượn như chuyển mình vươn lên, đổi mới, thể hiện sự hòa hợp, nghĩa tình và sức mạnh trường tồn.
“Nhìn vào bức ảnh thấy rõ 3 con rồng ở thế ‘tam long hội tụ’. Đây không chỉ đơn thuần là sự kết hợp ngẫu nhiên của thiên nhiên mà còn thể hiện sự đoàn kết 3 miền Bắc - Trung - Nam của đất nước hội tụ ở Bình Phước cùng các dân tộc anh em sinh sống chan hòa, hạnh phúc”, ông Trung nói và cho biết thêm, điều trùng hợp là năm
nay (2024) cũng là năm rồng. Điều này như một tín hiệu tốt cho thấy Bình Phước sẽ vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ trong tương lai gần.
Cũng theo ông Trung, địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái - văn hóa gắn với giáo dục sinh thái rừng, du lịch mạo hiểm, du lịch di sản văn hóa và du lịch về nguồn.
Ảnh 1: Bức ảnh con rồng lớn trong thế “tam long hội tụ” được đăng trên mạng xã hội facebook hôm 9/5 vừa qua
Ảnh 2: Nhìn trên Google Map cũng dễ dàng thấy hình dáng hồ Thủy điện Cần Đơn với hình ảnh 3 con rồng đang quấn lấy nhau tạo thế “thanh long vũ hội”.
Ảnh 3: Trước đó, một người nước ngoài cũng đã kịp ghi lại bức ảnh “tam long hội tụ”từ máy bay. Bức ảnh sau đó được xác định chụp ở khu vực hồ Thủy điện Cần Đơn và lưu vực của Sông Bé (tỉnh Bình Phước).
Ảnh 4: Bức ảnh sau đó được tỉnh Bình Phước làm quà tặng cho các vị chính khách, doanh nghiệp nước ngoài khi đến làm việc tại địa phương.
Chung Dung