1. Công tác chuẩn bị
- Chuẩn bị các vật dụng chung trong chuyến đi:
Lều trại, dây thừng (dù), tấm trải, túi ngủ, dao đi rừng, bật lửa, nến đốt, nồi niêu xoong chảo, siêu đun nước.
Một số thuốc men cơ bản như viên thuốc tiệt khuẩn nước, dầu gió, hạ sốt, đau bụng, kháng sinh, bông băng, thuốc đỏ, cồn y tế, kem chống muỗi, vắt,... (Tuỳ theo số ngày đi rừng dự kiến mà đem số lượng quần áo, thuốc men cho vừa)
Một số đồ ăn có thể bảo quản lâu và dễ sử dụng, nhiều năng lượng như: ruốc khô, xúc xích, đồ hộp, lương khô, mỳ gói, thịt bò khô, đậu phộng rang mặn, rau khô đóng gói, bánh quy, kẹo ngọt, sô cô la, viên C sủi để tăng cường sức đề kháng và đặc biệt là café hay một chai rượu nhỏ. Số đồ dùng này sẽ được chia đều cho các thành viên trong đoàn tình nguyện mang.
- Các đồ vật cá nhân:
+ Ba lô: nên dùng loại có dây đeo thắt ngang lưng để cố định không lắc lư giúp di chuyển dễ dàng. Ba lô của bạn có thể nặng từ 5 đến hơn 15 kg tùy thuộc vào thời gian, kế hoạch và số lượng người tham gia đi. Do đó, bạn phải có một sức khỏe tốt, có luyện tập vận động thường xuyên trước chuyến đi.
+ Quần áo: Các bạn tình nguyện viên nên mang một vài bộ quần áo chất liệu nhẹ, chống mưa, muỗi, vắt; Một bộ quần áo mềm, chất liệu ấm để mặc đi ngủ vào buổi tối. (vì ban đêm trong rừng rất lạnh); Quần áo lót, tất (đem nhiều, để còn thay khi ướt vì khi ướt, quần áo ngoài có thể uớt còn quần áo lót thì không thể để ướt); khăn quàng cổ, mũ đội đầu, găng tay bảo hộ.
Mùa hè, nên mặc một áo phông bên trong và một áo khoác dài tay bên ngoài để đảm bảo bạn sẽ không bị xây xước do cây rừng cào phải cũng như bảo vệ bạn không bị cảm lạnh do vã mồ hôi và gặp gió rừng.
+ Một số vật dụng khác như : Đèn pin, dao, kéo, thìa, cốc nhựa, bật lửa; đồ vệ sinh cá nhân (bàn chải, khăn mặt, dầu gội, xà bông, kem đánh răng), một đôi dép lê; Áo mưa (phải để ngoài cũng để khi cần có thể lấy thật nhanh), giầy đi mưa; Tăng, võng, dây dù (loại võng của quân đội Mỹ (có màn chống muỗi)
Và một ít đồ ăn vặt như kẹo, bánh, lương khô, 01 chai nước uống có hòa chè sâm hoặc viên C sủi, để ở vị trí dễ lấy nhất trong ba lô. Một bản copy về lịch trình chuyến đi hoặc bản đồ khu vực đi.
Ngoài ra, nếu có điều kiện nên mang theo máy nghe nhạc Ipod hay MP3, máy định vị GPS, la bàn, máy ảnh, một cuốn sổ nhỏ và cây bút để ghi chép lại những kinh nghiệm quý báu trên đường.
2. Di chuyển trên đường:
- Thời gian có thể đi được trong rừng từ 6h sáng đến 4h chiều do đó phải căn thời gian để đến đích, chỗ nghỉ cho hợp lý. Sau 4h chiều rừng đã bắt đầu tối. Đây là thời gian để ổn định chỗ ngủ và nấu cơm ăn tối. Một ngày trung bình bạn có thể đi bộ khoảng 12km đến 15km.
- Trước khi đi cần ăn mặc quần áo cẩn thận, kín, áo trong cho vào trong quần.
- Nếu được thì đoàn tình nguyện nên nhờ hoặc thuê dân địa phương đi cùng vì dân địa phương thông thạo địa hình sẽ tránh bị lạc và tìm được nhiều đường đi tắt ngoài ra dân địa phương khoẻ nên sẽ giúp mang đồ giúp. Hơn nữa họ nói được tiếng dân tộc của họ nên họ coi như phiên dịch cho ta khi gặp người dân tộc khác.
- Tuỳ điều kiện thời tiết, trời khô thì dùng giầy, trời mưa đường trơn, nhiều vũng nước thì nên dùng dép.
- Bôi một vòng cao nóng quanh tất chống vắt để chống vắt bò lên trên
- Bất kỳ phần da hở nào (như bàn tay, cổ, mặt) và các phần quần áo như cổ áo, cổ tay áo đều bôi kem chống muỗi giúp cho côn trùng, muỗi không đốt khi di chuyển
- Khi đi trong rừng cần dẫm chắc chân để tránh trơn trượt.
- Đẽo một thanh gậy vừa tay làm “chiếc gậy Trường Sơn”. Chiếc gậy này vô cùng quan trọng, nó sẽ cứu bạn những lúc bị trượt chân đấy và tạo sự chắc chắn khi di chuyển.
3. Khi ăn trong rừng
- Ăn trong rừng có phải đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi
- Bữa sáng phải ăn cơm thật no vì bữa này là quan trọng cung cấp chủ yếu năng lượng cho cả ngày
- Bữa trưa thường ăn trong khi đang di chuyển nền chỉ ăn được đồ khô như lương khô, bánh)
- Uống nước, nếu có thì dùng nước tăng lực rất hiệu quả.
- Dọc đường uống chè sâm vừa đỡ khát, vừa khỏe người. Kinh nghiệm cho thấy nếu một buổi đi phải uống 4 chai nước khoáng thì nếu pha thêm chè sâm vào thì chỉ uống hết một chai thôi.
4. Khi ngủ trong rừng
Khi ngủ trong rừng cần thực hiện nguyên tắc sau:
- Chọn thân cây chắc chắn để mắc
- Chọn vị trí có địa hình bằng phẳng, thông thoáng để ngủ. Không chọn chỗ dưới chân núi có nhiều đá.
- Chỗ ngủ phải nằm xen giữa các hàng cây (đề phòng mưa bão, cây đổ đè lên người)
- Mắc võng cao so với mặt đất 0,8 – 1,0 m
- Dưới võng phải phẳng không có tảng đá hay vật nhọn nào (đề phòng võng đứt dây, bị ngã sẽ va, đâm vào vật nhọn)
- Buổi tối ngủ phải nhóm lửa, giúp giữ ấm và xua đuổi thú dữ.