Cá sửu, loại cá vảy nhỏ, ướp muối thật mặn thường được dân miền Tây gọi là "cá mặn" hoặc "hàm dĩ". Hàm dĩ chỉ cần chiên là đã ngon lắm rồi. "Cầu kỳ" hơn thì chưng cách thủy với gừng xắt sợi, thịt ba rọi bằm, nếu tăng cường đậu hũ, nấm rơm và tôm nữa thì càng thêm ngon. Hai món này ăn với cháo trắng hoặc cơm nóng đều "mê muội" cả.
Người ta nói cá sửu có xuất xứ từ Biển Hồ (Campuchia) xuôi theo sông Mekong xuống tận" cù lao cá". Từ mồng 5 tháng 5 tới tháng 9 âm lịch là mùa đánh bắt cá sửu ở Tân Lộc. Người ta "bắt lưới" khi con nước đục (mùa nước đổ từ thượng nguồn về, còn gọi mùa nước son). Nước trong thì câu cá bằng mồi kiến non, gián, thuốc ủ. Cá sửu con nhỏ nhất là 300g, con lớn nặng đến 4 kg là hết mức. Cá sửu có mặt nhiều nhất ở bờ bắc sông Hậu, nhánh Lai Vung (Đồng Tháp), nơi chạy dọc theo một bên bờ cù lao Tân Lộc. Tham dự buổi đánh bắt hoặc câu cá sửu ở Tân Lộc quả thật là một điều hấp dẫn đối với bất kỳ ai.
Những ngày này, cá sửu được bán tại chợ địa phương với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Còn khi đã chế biến thành món tại nhà hàng, giá cá tăng gấp đôi. Được vậy, bởi cá sửu thịt ngọt, ít xương, làm thành món nào cũng đều được thực khách "vỗ tay khen ngợi", từ nướng, chiên tươi, hấp gừng hành cần ống, chiên xù, kho... Mùa xoài, cá sửu đem kho lạt bằm xoài, giằm trái ớt sừng trâu hoặc ớt hiểm xanh ăn rất ngon. Nếu được chấm với bông súng, bông điên điển hoặc đọt xoài thì hương vị còn tăng lên gấp bội. Cá sửu khứa xéo hai bên hông, muối sả ớt chiên; cá sửu nấu canh chua... đều hấp dẫn.