Đường thông tận biển tôm cá rẻ
Đất có lò nung chĩnh vại nhiều
Trên bến dưới thuyền như mắc cửi
Lợi nhỏ đi tìm khổ bao nhiêu.
Dẫu là vậy, nhưng cho đến nay, người ta biết đến Thổ Hà chính là những sản phẩm gốm của một làng nghề, tương truyền có từ thời Lý, cách đây 8 thế kỷ. Chuyện kể rằng, ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo, Lưu Phong Tú, trong một dịp đi sứ sang Trung Quốc, ghé qua Triều Châu, học được nghề gốm ở xứ này. Ông Cảo về làng Bát Tràng truyền nghề, ông Tú về Phù Lãng, còn ông Tiến về núi Gốm (gần đối diện với Thổ Hà, bên kia sông). Huyền tích- huyền thoại đã bị thời gian làm khúc xạ với bao dị bản cần thẩm định, nhưng từ Núi Gốm, qua Vạn Yên, Đặng Xá, Khúc Toại (Chọi), Quả Cảm để rồi đến đầu thế kỷ 18, vượt qua sông Cầu, đến Thổ Hà. Đó là một quá trình chuyển cư dường như hợp với lôgíc của lịch sử và khá trùng hợp với chứng tích của khảo cổ học. Một chuỗi chuyển rời để khẳng định lợi thế địa văn hoá- địa kinh tế của Thổ Hà xưa.
Đình làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Gốm Thổ Hà chủ yếu là mặt hàng gia dụng (chum, vại, chậu, tiểu, bình vôi, ấm tích) cùng những mặt hàng phục vụ cho tôn giáo (lư hương, cây đèn) và đầu đao, con giống, gạch, ngói. phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa dân gian, các đình, chùa, miếu mạo. Ngoài ra, Thổ Hà còn sản xuất nhiều đồ gốm mỹ nghệ (đôn, chậu hoa, chậu cảnh).
Lư hương (gốm Thổ Hà), thế kỷ 18-19
Gốm ở đây không thể trộn lẫn với bất cứ nơi nào, bởi nó không có men, nhưng với tài năng của người thợ chuốt gốm và đốt lò, nên một lớp men vô hình, màu nâu sẫm, giống như da lươn được tạo ra, bóng nhẫy, phủ kín khí vật. Tiếng kêu của gốm Thổ Hà đanh chắc, vang như tiếng thép. Đặc điểm có một không hai này đã tạo ra sản phẩm nơi đây- có một truyền thống riêng biệt, mang đậm đặc trưng địa phương của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Tượng Nghê quỳ trên bệ chữ nhật (gốm Thổ Hà), thế kỷ 18-19
Gốm Thổ Hà có mặt khắp nơi. Nó được xếp xuống thuyền, xuôi sông Cầu, ngược sông Thương, sông Lục Nam lên các chợ Vạn Phúc, chợ Chờ, Phù Lỗ, Đông Đỗ vv… rồi kĩu kịt trên quang gánh của những tiểu thương về các làng, bản, cung cấp chum làm tương, vại muối cà, lọ đựng hạt giống cho nông dân vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Có thể nói tính thực dụng và thiết yếu của gốm Thổ Hà được đặt lên hàng đầu trong các tiêu chí của sản phẩm làng nghề.
Dù đã đi xa, nhưng chợ Thổ Hà vẫn họp. Khách tứ phương đến mua hàng. Tấm Bia dựng năm Chính Hoà 14 (1693) ở đình làng ghi nhận “Xã Thổ Hà có bến đò và chợ Tam Bảo, mỗi tháng 12 phiên, mọi người tới mua đồ sành để giao dịch lưu thông, nhân dân yên ổn, nghề nghiệp yên ổn. Bọn công thương chứa hàng ở chợ chất thành gò đống, tài hóa luôn lưu thông, nhân dân nhà nào cũng có lò gốm nung thành dụng cụ, năm nào mùa thu cũng mở hội vui mừng”.
Các sản phẩm gốm Thổ Hà ngày nay
Sở dĩ Thổ Hà tồn tại như một trung tâm độc nhất trong vùng, cho dù tấm gương của nó về kinh tế thật sáng tỏ, nhưng vẫn không thể nhân rộng thêm, chính là sự khắt khe, giấu kín nghề trong giậu lũy kiên cố của pháo đài làng nghề.
Dù đã đi xa, nhưng chợ Thổ Hà vẫn họp. Khách tứ phương đến mua hàng. Tấm Bia dựng năm Chính Hoà 14 (1693) ở đình làng ghi nhận “Xã Thổ Hà có bến đò và chợ Tam Bảo, mỗi tháng 12 phiên, mọi người tới mua đồ sành để giao dịch lưu thông, nhân dân yên ổn, nghề nghiệp yên ổn. Bọn công thương chứa hàng ở chợ chất thành gò đống, tài hóa luôn lưu thông, nhân dân nhà nào cũng có lò gốm nung thành dụng cụ, năm nào mùa thu cũng mở hội vui mừng”.
Trời mưa cho ướt lá khoai
Đố ai lấy được con trai Thổ Hà.
Trời mưa cho ướt lá cà.
Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân
Thổ Hà, Vạn Vân, hai làng nghề: Làm gốm và nấu rượu đã từng một thời là niềm tự hào của lớp lớp dân làng: “Có phải con mẹ, con cha. Thì sinh ở đất Thổ Hà, Vạn Vân”
* *
*
Về Thổ Hà hôm nay, cho dù du khách còn cảm nhận được đôi chút oanh liệt của một thời xưa cũ ở một làng nghề truyền thống nổi tiếng, qua cấu trúc cổng làng cổ kính, qua phức hợp đình/ chùa làng rêu phong, mang đậm phong cách thời Lê- Nguyễn và những lối ngõ chật hẹp, san sát cổng nhà, mách bảo vùng quê “đất lành chim đậu”, nhưng không còn nữa những bến sông nhộn nhịp, những phiên chợ đông vui, những lò gốm đỏ lửa ngày đêm nhả khói.. Thay vào đó là một sự chuyển đổi cơ cấu làng nghề. Thổ Hà hôm nay là miến rong, bánh đa nem, nuôi lợn. ngột ngạt ô nhiễm, khiến cho nhiều dự án “hành trình làng nghề” trong nước và quốc tế vẫn còn băn khoăn, bỏ ngỏ, cho dù cảnh quan nơi đây và hành trình sông nước về với làng, còn nguyên sự hấp dẫn đối với du khách thập phương.
Mấy năm trở lại đây, có một số nghệ nhân đau thiết với nghề, đang khôi phục lại nghề gốm truyền thống của cha ông, với bao điều tâm sự và với nhiều viễn cảnh sáng tươi. Hy vọng rằng, những đốm lửa nhen nhóm ấy sẽ hồi sinh một làng nghề đã một thời vang bóng. Tôi nghĩ rằng, làm được việc đó, không chỉ bằng nhiệt huyết của người dân mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền./
TS. Phạm Quốc Quân (Bảo tàng LSVN)