Cảm giác tiếc nuối kèm chút hụt hẫng khi đến Điệp Sơn lúc này vì lâu nay, nơi này được biết đến và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bởi “con đường đi bộ trên biển” độc đáo. Nhưng nay, đến Điệp Sơn, du khách chỉ có thể tắm biển, chèo thuyền… rồi về. Con đường độc đáo ấy, theo người dân, đã không còn ở đảo Điệp Sơn kể từ sau cơn bão số 12 hồi năm ngoái…
Tôi là một người mê cái đẹp và thích khám phá những điều mới lạ. Dẫu vậy, dù đã đi Nha Trang, Khánh Hòa vài lần nhưng mới đây, tôi mới có dịp ghé Điệp Sơn. Tôi đi vì tò mò bởi “con đường đi bộ trên biển” hơn là sự mới lạ của nơi này.
Từ thành phố Nha Trang, tôi mua tour tham quan đảo Điệp Sơn (tour trong ngày). Sau quảng đường 60km di chuyển bằng ôtô đến bến tàu Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), chúng tôi đi thêm khoảng 20 phút bằng canô mới tới thôn đảo Điệp Sơn. Điệp Sơn nằm gọn trong vịnh Bắc Vân Phong. Nơi đây nổi tiếng và thu hút khách du lịch bởi “con đường đi bộ trên biển” xuất hiện mỗi khi thủy triều rút xuống để lộ ra con đường cát trắng dài khoảng 800m.
Đoàn chúng tôi (gồm nhóm bạn trẻ đến từ thủ đô Hà Nội và Sài Gòn) đến Điệp Sơn vào giờ trưa, nắng đẹp. Trước mắt, đảo Điệp Sơn hiện ra với vẻ đẹp kỳ vĩ. Làn nước biển trong xanh, tiếng sóng vỗ rì rào càng khiến nơi này trở nên tuyệt vời, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là những bạn trẻ đam mê du ngoạn, khám phá luôn khao khát trải nghiệm. Chính sức hấp dẫn từ du lịch biển đảo, nhiều bãi biển, hòn đảo… xinh đẹp của nước ta đã được khai thác một cách tích cực, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Đảo Điệp Sơn mang dáng vẻ kiêu sa, kiều diễm với bãi cát dài trắng xóa, làn nước biển trong xanh như níu chân du khách. Ở đây còn khá hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch ngoài chèo thuyền kayat và chụp ảnh với những chú chim đại bàng (chim được nhóm bạn trẻ thuần nuôi, đưa ra đảo cho khách thuê chụp hình). Dẫu vậy, mục đích của hầu hết khách du lịch khi tới Điệp Sơn là mong muốn được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến “con đường đi bộ trên biển” nên dù dịch vụ “còn nghèo nàn” cũng không làm suy giảm nhiều cảm xúc của du khách.
Thời điểm chúng tôi tới Điệp Sơn cũng là lúc nước đang dần rút. Chúng tôi háo hức vì theo thông thường, “con đường đi bộ trên biển” sẽ dần hiện ra. Nhưng chờ mãi, gần 2 tiếng đồng hồ trên đảo, đến khi nước biển dâng cũng không thấy con đường ấy đâu. Hỏi bạn Trần Thọ - hướng dẫn viên thì nhận được câu trả lời chung chung “không biết giờ nào nước rút nên rất khó để nhìn thấy con đường lộ thiên”. Thế là, tour đi Điệp Sơn của chúng tôi đơn giản chỉ là ra đảo ăn trưa, chèo thuyền… rồi về khu du lịch Dốc Lết tắm biển.
Cảm giác tiếc nuối kèm chút hụt hẫng khi đến Điệp Sơn lúc này vì lâu nay, nơi này được biết đến và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bởi “con đường đi bộ trên biển” độc đáo. Mang theo sự tiếc nuối ấy, tôi tìm đến người dân để hỏi mới biết rằng, con đường độc đáo ấy đã không còn ở đảo Điệp Sơn kể từ sau cơn bão số 12 hồi năm ngoái… Cơn bão đi qua, càn quét tất cả và “mang luôn cả con đường độc đáo ấy đi”, một người dân sinh sống trên thôn đảo Điệp Sơn cho biết.
Điệp Sơn là tên gọi của thôn đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Tại thôn đảo này có khoảng 95 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, người dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Việc sinh hoạt của người dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có điện chiếu sáng và thiếu nước sinh hoạt. Thế nhưng, cũng như ngư dân của những nơi khác trên khắp đất nước Việt, họ rất thân thiện, dễ gần và chan hòa.
Nghinh Phong
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Khu du lịch Dốc Lết luôn là một trong những điểm đến thu hút du khách mỗi khi tới Khánh Hòa.
Ảnh 2: “Con đường đi bộ trên biển” ở Điệp Sơn nay chỉ còn đoạn ngắn chưa tới 5m.
Ảnh 3: Nhóm du khách chụp hình với những chú chim được các bạn trẻ ở Khánh Hòa thuần nuôi, đưa ra Điệp Sơn cho khách thuê chụp hình.